Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng.
Sáng 23/11, tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh.
Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Trong đó, TP Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. TP Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh. TP Hà Tiên là đô thị di sản.
Quy hoạch đề ra nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 34 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là TP Rạch Giá và TP Phú Quốc, 1 đô thị loại II là thành phố Hà Tiên, 1 đô thị loại III là thị xã Kiên Lương, 10 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V.
Sau năm 2030, sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang, bao gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành. Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ông rất ấn tượng với những kết quả mà Kiên Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua. Phó Thủ tướng lưu ý, Kiên Giang cần tuân thủ theo quy hoạch, phải linh hoạt và phải đồng bộ tất cả các quy hoạch với nhau.
Phó Thủ tướng nhận định, kinh tế của Kiên Giang rất đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện tỉnh đang có trở ngại rất lớn về hạ tầng giao thông kết nối và tỷ trọng công nghiệp chưa cao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang cần giải quyết được vấn đề hạ tầng giao thông; chủ động để thực hiện những dự án giao thông trên địa bàn tỉnh và phát triển mạnh giao thông thuỷ; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản; lưu tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy dự án nuôi trồng thuỷ sản thay thế cho đánh bắt; tính đến các dự án lấn biển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, Kiên Giang phải thúc đẩy chất lượng của du lịch Phú Quốc, tuyệt đối an ninh và thân thiện với du khách. “Người đi du lịch cần có 3 chữ Đ. Một là đẹp, hai là đôc và ba là đáng. Tức là đáng để đi và đáng trở lại những lần sau. Tôi cảm thấy các đồng chí quản lý quy hoạch Phú Quốc chưa được tốt lắm. Phú Quốc đẹp lắm nhưng nếu quy hoạch không khéo thì mai mốt con cháu phiền vì đã mất đi một di sản trời cho”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, lãnh đạo và nhân dân địa phương trân trọng và nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, quy hoạch tỉnh Kiên Giang được phê duyệt là kết thúc của giai đoạn lập quy hoạch, nhưng là sự khởi đầu cho giai đoạn mới - giai đoạn tổ chức thực hiện quy hoạch, với yêu cầu chặt chẽ, khoa học nhưng cũng cần “linh hoạt”, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác. Kiên Giang tin tưởng sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dịp này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức trao 11 chủ trương đầu tư và 18 biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư của các nhà đầu tư sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh.