24 giờ đêm nhưng những con phố giữa trung tâm thủ đô vẫn náo nhiệt. Các quán ăn trên phố Tạ Hiện đông đúc, chật cứng người. Tương tự, phố Hàng Chiếu, Hàng Dầu, Mã Mây… đèn điện vẫn sáng choang. Không chỉ tại trung tâm thành phố, dọc tuyến đường từ Hà Đông lên Ngã Tư Sở (Hà Nội), hàng quán buổi đêm vẫn rất nhộn nhịp, dường như không có ranh giới đêm ngày.
Biểu diễn âm nhạc trên phố đi bộ Hồ Gươm.
Những con phố càng về khuya, càng nhộn nhịp
4 giờ sáng, gia đình chị Phương Thanh (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) đang đợi một chiếc Grab car qua đón để đưa ra sân bay, chị Thanh cho biết tranh thủ cho bọn trẻ con đi chơi vì sắp vào tháng 8 là đi học hết rồi. Chiếc Grab car đi vào tận sâu trong ngõ đón nhà chị Thanh, anh tài xế vui vẻ xuống đỡ hành lý rồi mời anh chị lên xe một cách lịch sự, thái độ nhẹ nhàng. Mạnh Linh – tài xế lái Grab car cho biết, anh chạy xe bắt đầu từ 12 giờ đêm và hoạt động đến 6 giờ sáng hàng ngày. “Càng ngày, nhu cầu đi lại của người dân vào ban đêm càng nhiều, mỗi đêm anh cũng chạy được đến mười mấy cuốc, và thường xuyên “bắt được” những chuyến đi ra sân bay nên thu nhập khá ổn” – anh Linh chia sẻ. Khi được hỏi chạy xe đêm như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro, anh tài xế cho hay, chạy xe đêm nhàn hơn chạy ban ngày vì đường rất vắng, thành ra đã rất quen với việc đi làm đêm rồi, chẳng ngại gì cả.
“Xôi nóng, khoai nướng, bánh mỳ nóng đi em”! Tiếng mời chào của những gánh xe đêm đã trở nên quen thuộc dọc con phố nhỏ Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Con phố về đêm lại tấp nập hơn ban ngày, những hàng quán thắp đèn sáng choang. Người dân tụ tập ngồi ăn đêm rôm rả. Bà Hoàng Bích Hạnh, tuổi đã ngoài 60 nhưng nhiều năm nay đã có “thương hiệu” với người dân ở con phố này vì ngày nào cũng bán hàng ăn đêm, đồ uống từ 19 giờ cho đến sau 3 giờ sáng hôm sau. “Bán hàng đêm được cái rất mát mẻ, cứ tưởng là vắng khách nhưng ngược lại, đông khách lắm. Tụi thanh niên hay đi chơi về tầm 22 giờ là sà vào ăn uống nói chuyện rôm rả, thành ra chả có cảm giác gì là buổi đêm cả” – bà Hạnh vui vẻ trả lời khi được hỏi lý do bán hàng ban đêm.
Chị Tú Trinh, một người dân ở con phố Chính Kinh cho biết, hình ảnh bà Hạnh ngồi bán hàng giờ đó rất quen thuộc rồi, nên hôm nào bà nghỉ là thấy thiếu vắng, không khí trầm hẳn. Theo chị Trinh, các sạp hàng đêm tại đây vẫn hoạt động cho đến sau 24 giờ, có xe hàng còn bán đến 3-4 giờ sáng hôm sau. “Mọi người sinh hoạt về đêm ở đây rất trật tự, không ồn ào, nên cứ đêm nào chỉ một xe hàng vắng là đã thấy thiêu thiếu rồi” - chị Trinh chia sẻ và cho biết, các xe hàng rong chủ yếu bán các đồ ăn nhẹ như bánh bao, bánh mỳ, xôi, khoai nướng và là người dân ở nhiều nơi tụ về.
Đi dọc từ cầu Hà Đông lên khu vực Ngã Tư Sở, không khí của nền kinh tế ban đêm ngày càng rõ nét. Các hàng quán ăn đêm hay những chiếc xe chở hàng ăn, nước ép, trà đá… mọc lên dọc hai bên đường, len lỏi vào các ngõ ngách trên phố Nguyễn Trãi. Càng gần phía trung tâm thành phố, không khí càng trở nên sôi động, không có cảm giác yên ắng của ban đêm.
Các hoạt động về đêm náo nhiệt nhất phải kể đến con phố Tạ Hiện. Hàng ngày, cứ bắt đầu giờ tan tầm thì phố sáng đèn để phục vụ nhu cầu của những người thích đi chơi đêm. Theo chia sẻ của chị Minh, một chủ hàng ăn ở phố Tạ Hiện, khách hàng bắt đầu đông đúc từ 19 giờ tối và cứ tấp nập cho đến sau 1 giờ sáng. Khách chủ yếu là thanh niên và cũng nhiều khách Tây, vì xung quanh phố cổ, khách Tây đến du lịch rất đông, và chủ yếu họ hoạt động về đêm rất sôi nổi, náo nhiệt. “Ngày thường đã đông đúc, cuối tuần còn đông hơn vì các tối cuối tuần mở tuyến phố đi bộ, người dân khắp nơi đổ về nên con phố này sầm uất hơn cả ban ngày”- chị Minh cho hay và chia sẻ thêm, không chỉ phố Tạ Hiện, mà hầu hết các khu phố cổ như Mã Mây, Hàng Chiếu, Hàng Dầu, Lương Ngọc Quyến… đều rất sầm uất, rực sáng đèn đêm. Dường như những con phố này không có ranh giới ngày và đêm.
“Tôi thường “tan sở” vào lúc 21 giờ, nên rất hay qua các tuyến phố cổ Hà Nội để ăn đêm, thi thoảng còn rủ hội bạn tụ tập ăn đến sau 24 giờ. Thực tế thì Hà Nội không có nhiều điểm vui chơi ban đêm bằng ở TPHCM. Ở trong đó, không khí náo nhiệt hơn và nhiều điểm ăn uống mua sắm hơn” – chị Mai Lan, nhân viên một shop thời trang chia sẻ.
Cần sự quy củ, loại bỏ tư duy “phong trào”
Kinh tế ban đêm đã hiện diện ở nhiều con phố tại thủ đô Hà Nội từ bao giờ. Và chắc sẽ còn mạnh hơn. Tuy nhiên, nếu so với Sài Gòn, người dân Hà Nội ít có nhiều điểm tụ tập vui chơi, giải trí, mua sắm hơn. Phần lớn các cửa hàng đều đóng cửa sau 22 giờ đêm. Chỉ một số điểm hoạt động ban đêm nhưng cũng không được phép muộn hơn 2 giờ sáng.
Tại rất nhiều nơi như Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu… những nơi có du lịch phát triển mạnh cũng đã hình thành nền kinh tế ban đêm. Bước đầu cho thấy có những hiệu quả. Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm khi mà lượng khách du lịch đến đây được ghi nhận đạt 16 triệu lượt khách/ năm. Ước tính, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm. Chính bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm, không chỉ giúp tăng trưởng GDP, mà còn giải quyết được vấn đề về việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó còn giúp giảm áp lực về hạ tầng, tắc đường, nghẽn xe… vào ban ngày.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển nền kinh tế ban đêm, vẫn còn nhiều điều phải làm. Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, về ý tưởng là rất tốt. Tất cả các nước làm kinh tế ban đêm đều đã gặt hái được hiệu quả, tăng trưởng GDP cao. Nếu Việt Nam thực hiện được thì đó sẽ là một điểm nhấn đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, người dân Việt Nam vẫn nặng về tâm lý đám đông, làm theo phong trào nên nếu làm không cẩn thận sẽ rất bất ổn. “Cần phải làm rất chặt chẽ, quy củ, nhất là các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá. Không có chuyện bát phở giá 30 ngàn đồng mà “chặt chém” lên 60 ngàn đồng. Chúng ta phải tổ chức sao cho “đẹp lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, du khách đến là muốn quay lại lần thứ hai và nhiều lần nữa, chứ không phải đến một lần rồi… sợ không dám trở lại” – ông Phú nêu quan điểm và cho biết: Sở dĩ nói như vậy là do ý thức của nhiều người dân vẫn chưa cao. Hoạt động ban đêm cần có sự văn minh, lịch sự, không nên tùy tiện vứt rác để rồi sau buổi đêm, hình ảnh hiện ra là con đường, vỉa hè đầy rác, nước nôi lênh láng… rất mất mỹ quan đô thị. “Để làm được rất cần sự chung tay của chính quyền, các hộ kinh doanh và cả người dân, tất cả đều phải rất đồng bộ mới có thể thành công, không nên quá sốt sắng vội vã”. Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, thời gian qua, dù ở Hà Nội đã có sự phát triển nền kinh tế ban đêm trong một chừng mực nào đó, đơn cử như các tuyến phố đi bộ được mở ra thu hút đông du khách, nhưng các sản phẩm kinh doanh vẫn rất đơn điệu, tẻ nhạt, chỉ một vài món đồ lưu niệm chưa tạo sự hấp dẫn. Như vậy là chưa tận dụng hết tiềm năng. “Đặc biệt các hộ kinh doanh hàng ăn cần phải rất đảm bảo vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định có giữ chân được du khách hay không” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm là xu hướng của thế giới. Tại Việt Nam, những đô thị lớn phát triển về du lịch như Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc, Đà Nẵng... muốn khai thác tối đa lợi ích kinh doanh cần phải đầu tư hạ tầng về du lịch, dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, quán bar, khu giải trí mua sắm… để thúc đẩy kinh tế ban đêm, thu hút du lịch. Tuy vậy, cần phải có quy hoạch các hoạt động kinh doanh buôn bán và làm tốt vấn đề an ninh, quản lý chặt chẽ đảm bảo an toàn cho người tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm.