Phát triển kinh tế dưới tán rừng

DIỆP ANH 17/12/2021 11:00

Mới đây, tại tỉnh Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và trực tuyến tới 12 điểm cầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Làm giàu dưới tán rừng

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh có tổng diện tích rừng là trên 5,731 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3,962 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1,796 triệu ha. Các loài cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, mỡ, quế... Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%.

Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm. Các tỉnh có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 hơn 7.750 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu 1.239 tỷ đồng.

Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều nơi, người dân đang thực sự làm giàu nhờ phát triển các sản phẩm dưới tán rừng ngoài gỗ. Nhờ trồng và khai thác đẳng sâm, nông dân ở xã Púng Bánh (Sốp Cộp - Sơn La) có thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Những hộ trồng thảo quả ở xã Dào San (Phong Thổ - Lai Châu) mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Còn các hộ trồng sa nhân ở xã Phìn Ngan (Bát Xát - Lào Cai) cũng có thu nhập 80 triệu đồng/ha. Hoặc các hộ trồng củ ba kích ở xã Đại Đình (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) thu nhập bình quân 90 triệu đồng/ha và hàng chục sản phẩm độc đáo khác như quế ở Yên Bái, Lào Cai; hoa hồi ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng...

Kinh tế dưới tán rừng còn đang cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến mây tre và công nghiệp giấy với gần 1 triệu tấn/năm; cung cấp nguyên liệu cho chế biến thực phẩm với khoảng 20.000 tấn; cho công nghiệp dược phẩm, hóa mỹ phẩm khoảng 50.000 tấn (trong đó khoảng 20.000 tấn dược liệu)… Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ cho các ngành công nghiệp chế biến mây tre, giấy, dược phẩm, y học cổ truyền, hóa mỹ phẩm, tinh dầu sản xuất trong nước và xuất khẩu sẽ gấp 1,5 lần hiện tại.

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) phát triển tốt.

Cần quan tâm tới “mỏ vàng” dưới tán rừng

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho biết, thời gian qua, Lai Châu xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các loại cây có giá trị kinh tế cao và chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đến nay, nhiều loại dược liệu quý hiếm được nhân dân bảo tồn và phát triển như: sâm Lai Châu, cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất, đương quy, thảo quả, hà thủ ô. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng từng năm được nâng lên, đạt gần 51%; trên 70% số hộ dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng có nguồn thu nhập ổn định.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La đã chia sẻ tiềm năng, thế mạnh dưới tán rừng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng của địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu, đồng thời cho biết Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng Trung du miền núi phía Bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát. Bên cạnh đó, sẽ kích hoạt tất cả các giá trị biến nông nghiệp không phải là sản lượng sản xuất nữa mà là kinh tế, dựa trên 3 trụ cột: Tài nguyên bản địa - Tinh hoa dân tộc - Tinh hoa sáng tạo.

“Nếu chúng ta không nghĩ gỗ là giá trị duy nhất thì chúng ta sẽ không phá rừng. Nếu khai thác có kiểm soát thì rừng còn sinh ra nhiều giá trị khác nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo ông Hoan, cần có tính sáng tạo, không tự bằng lòng với cái mình có, mỗi ngày đòi hỏi một yêu cầu cao hơn. “Đã đến lúc cơ quan quản lý cần tìm được câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” để trao cho người dân, để có thể khai thác các “mỏ vàng” dưới tán rừng Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các sản phẩm dưới tán rừng cũng có thể trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). “Người tiêu dùng quan tâm tới các sản phẩm OCOP không phải là chỉ vì mỗi sản phẩm đó, mà là cộng đồng đã làm ra sản phẩm đó như thế nào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, đồng thời đề nghị cần có cách tiếp cận khác về rừng, giúp người dân có thể làm giàu dưới tán rừng, như vậy sẽ giữ được rừng mà không cần lo câu chuyện đeo đẳng là kinh phí đâu để giữ 42 triệu ha rừng mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển kinh tế dưới tán rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO