“Lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á”- đó là ý kiến trong đề dẫn được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu lên tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017: Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững, diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội.
Các Đại biểu tham gia Diễn đàn Kinh tế việt Nam 2017. (Ảnh: TTXVN).
Nội lực và độ bền vững
Báo cáo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, theo tính toán sơ bộ, 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 ước giảm 0,3 %; CPI bình quân 6 tháng đầu năm ước tăng 4,2%. Chỉ số CPI bình quân có xu hướng giảm, tiệm cận dần mục tiêu dưới 4% được QH thông qua. Trong khi đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 5,5-5,7%, xấp xỉ mức tăng trưởng theo yêu cầu kịch bản mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.
Quý II, khu vực nông nghiệp có mức tăng khoảng 2,8% trong khi khu vực công nghiệp và chế tạo vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành 6 tháng ước đạt 6,2%. Trong khi đó, khu vực dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng đều đặn, xuất nhập khẩu đạt khá; vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 675 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 9 tỷ đô la. 6 tháng đầu năm cả nước có trên 61 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 595 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4 % về số DN và 39,4% về số vốn đăng ký.
Tất cả những điều trên cho thấy kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những bước chuyển tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm nay. Nhưng, điều đó liệu có dễ dàng? Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của ta đạt khoảng 6,4%/năm, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đó liệu đã là tất cả hay chưa khi mà “cơ cấu kinh tế Việt Nam tuy có thay đổi so với 20 năm trước nhưng không rõ” theo như lời một GS người Nhật Bản từng nhận xét.
Nhìn vào những con số thì thấy, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Như vậy có nghĩa, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.
Từ thực tế ấy, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: “ Việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright khi bàn đến tốc độ tăng trưởng năm 2017 đã cho rằng, chúng ta đã bước qua quý I-2017 với mức tăng trưởng 5,1%. Đây là kết quả gây ngạc nhiên, bởi trước đó kỳ vọng chung vào thời điểm cuối 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017. Kết quả quý I năm nay lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước.
Như vậy, Chính phủ hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước. Kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Minh Quyết - TTXVN).
Giải pháp vốn cho phát triển
Chỉ ra việc thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, “nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống”; trong khi nền kinh tế vẫn cần đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng và khai thông điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.
Nói về giải pháp cấu trúc lại thị trường tài chính, TS Trương Văn Phước- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần một chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng cung tiền một cách hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. Đối với thị trường vốn, cần phát triển thị trường vốn để tăng cường cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và hướng tới một nền tài chính triển khai áp dụng các công cụ tài chính hiện đại.
Trong khi đó, TS Nguyễn Viết Lợi- Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ bội chi Ngân sách Nhà nước; trong điều hành cần có biện pháp tích cực giảm bội chi; cơ cấu lại nợ công; tăng cường kiểm tra giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ nhất là với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ… Ông Lợi cũng đề xuất phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm nay để đầu tư cho các công trình cấp bách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.