Chính trị

Phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

H.Minh 04/01/2024 07:13

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) do Bộ VHTTDL tổ chức.

anh-bai-tren(2).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy thời gian qua, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực VHTTDL ngày càng được nâng cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn cả về nhận thức và hành động; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành cũng hết sức tự hào vì được đóng góp vào sự nghiệp VHTTDL và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

Thủ tướng nhắc lại những quan điểm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa: Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh; văn hóa còn thì dân tộc còn; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; văn hóa có tính dân tộc, khoa học, đại chúng; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…

Cùng với đó, thể thao có ý nghĩa quan trọng mang lại sức mạnh vật chất, thể chất và sức mạnh tinh thần, ý chí, mỗi công dân khỏe mạnh, có ý chí kiên cường thì cả dân tộc khỏe mạnh, có ý chí kiên cường. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Theo Thủ tướng, chúng ta bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong đó, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Chúng ta đã làm tốt việc phát huy những thành tố trụ cột này và cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, chúng ta đã vượt qua thách thức, chiến thắng khó khăn, đạt được những thành quả rất đáng trân trọng. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác VHTTDL đã đạt được trong năm 2023, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tiềm năng lớn, nhưng thể chế, cơ chế, chính sách cho VHTTDL còn hạn hẹp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện (như thiếu các chính sách cho các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh). Chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Công tác phối hợp giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong liên kết phát huy, khai thác các di sản. Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư cho lĩnh vực VHTTDL còn hạn chế, do đó phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước (ví dụ như trong khai thác sân vận động Mỹ Đình, hay khai thác các công viên…). Chưa phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Đời sống vật chất và tinh thần của một số nghệ sĩ, vận động viên... còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ. Lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.

Lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.

Thủ tướng lưu ý đặc điểm lớn của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải mạnh dạn hơn, tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển; công tác tham mưu phải chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt hơn nữa; giải quyết dứt điểm các công việc, vấn đề tồn đọng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hợp tác công tư, đẩy mạnh truyền thông chính sách.

Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, mà phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực VHTTDL.

Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL.

Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững. Củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao.

Đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030. Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch. Phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng lưu ý cần đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim"...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch