Phát triển nhiệt điện than: Thiếu giám sát, sẽ phải trả giá đắt

Tuấn Việt 12/10/2017 07:30

Quy hoạch phát triển nhiệt điện than sẽ thực sự là kẻ thù của môi trường và sức khỏe con người nếu như không có chiến lược bảo vệ minh bạch và chu toàn.

Số liệu của EVN cho thấy, nhiệt điện than đang chiếm 33,7% công suất lắp đặt và 34,37% sản lượng, dự kiến tăng 50% tổng sản lượng điện cả nước trong năm 2020.

Số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than tương ứng tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030, báo cáo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới và tổ chức Greenpeace International.

Ô nhiễm do nhiệt điện than đe dọa cuộc sống người dân.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng

Theo WHO, nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư, là nguồn phát các chất nguy hại như thủy ngân, selenium, arsenic, chì, cadmium, kim loại nặng, phát tro bụi, gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên, thay đổi khí hậu...

Ước tính, mỗi kWh nhiệt điện than sẽ làm tốn chi phí y tế đến 0,17 USD và đây cũng là lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới dần thải loại nhiệt điện than, thay vào đó là sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Tại Đông Nam Á, WHO cho biết, số lượng nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần từ nay cho đến năm 2030. Qua đó mỗi năm mỗi năm sẽ có khoảng 70.000 người chết vì ô nhiễm than.

Con số này hiện nay được ước tính là 20.000 người. Tại Việt Nam số ca tử vong sớm ở do ô nhiễm nhiệt điện than năm 2011 khoảng 4.300 ca và sẽ là 15.700 ca vào năm 2030, nếu tiếp tục theo quy hoạch phát triển nhiệt điện than đã được công bố.

ThS Nguyễn Trọng An, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, nhiệt điện than nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường diện rộng, theo nhiều nguồn tiếp cận sức khỏe con người.

Qua một khảo sát tại tỉnh Hà Nam từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát với gần 150 trẻ em và người già tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, địa phương cách nhà máy nhiệt điện than Ninh Bình 14km về phía Tây Nam. Kết quả khám lâm sàng cho thấy 70% số người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp hoặc tim mạch.

Tỷ lệ bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em tương đương nhóm trẻ em bị phơi nhiễm ở khu vực ô nhiễm nặng trong các nghiên cứu trong nước và quốc tế khác.

“Một xã tỉnh Hà Nam 1 năm có tới 79 người chết, trong đó có tới 39 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi, thực sự là đáng báo động đỏ. Liệu còn bao nhiêu làng xã đã và đang phải hứng chịu tác hại khủng khiếp mà khí than gây ra đối với sức khỏe con người? Dự án nhiệt điện than tiếp tục tăng thêm, trong khi các phương án bảo vệ và đối phó chưa được minh bạch và chu toàn”- BS An nhấn mạnh.

Quy hoạch ngược?

Theo Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ngoài những nhà máy nhiệt điện than hiện có, đến năm 2030 dự kiến sẽ có thêm 15 nhà máy nằm dọc theo tuyến sông Hậu.

Các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ô nhiễm môi trường.

Tương ứng, sẽ là hàng triệu tấn sỉ, khí, chất nguy hại sẽ được tạo sinh. Bao nhiêu trong số này sẽ được kiểm soát và bao nhiêu sẽ gây tổn hại môi trường và sức khỏe?

Số liệu tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải cho thấy mỗi ngày nhà máy thải ra 4.500 – 5.000 tấn tro sỉ, 1,8 triệu tấn mỗi năm. Giải pháp tiêu thụ bãi tro sỉ đang thực sự là cấp bách khi kết quả phân tích mẫu tro sỉ (tại các tổ hợp nhà máy Vĩnh Tân, Sông Hậu, Vũng Áng, ĐBSCL…) hàm lượng chloride trong nước ngầm vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần, hàm lượng tổng số muối tan trong đất vượt ngưỡng cho phép. Các chỉ số selenium, arsenic, chì, cadmium, kim loại nặng… đều vượt quá tiêu chuẩn.

Ông Trần Đình Sính, phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều về quy hoạch điện, cụ thể là nhiệt điện than khi đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng của nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030.

Các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ 2030.

Bên cạnh ô nhiễm môi trường, sức khỏe, nhiệt điện than sẽ gây nguy hại cho hệ sinh thái dưới nước và các loài thủy sản. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và văn hóa sông nước của hàng triệu người sống ven sông, biển gần nhà máy điện than trong vùng.

“Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải giám sát từng giờ với các hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than. Không thể vì phát triển kinh tế mà đi ngược lợi ích môi trường và sức khỏe. Những bài học đắt giá từ Vũng Áng, Vĩnh Tân đang yêu cầu sự minh bạch và chu toàn trong vận hành và giám sát. Giải pháp lâu dài cho nguồn điện, Việt Nam cần dần chuyển sang điện mặt trời và điện gió”- TS Sính cho biết.

Dọc bản đồ hình chữ S, khá nhiều những nhà máy nhiệt điện than tồn tại và sắp hình thành. Điện năng và môi trường sức khỏe, sự đối chọi khốc liệt đang hiện hữu và cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nhiệt điện than: Thiếu giám sát, sẽ phải trả giá đắt