Diện tích nuôi trồng tăng nóng đẩy sản lượng tăng mạnh, trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực lại đang siết chặt hơn, tăng nhiều rào cản… đó là những điểm nghẽn khiến đẩy các doanh nghiệp (DN) ngành cá tra rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”.
Nguồn cung tăng, trong khi thị trường nhập khẩu đang siết chặt khiến ca tra gặp khó
Mặc dù là một trong hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và năm 2018 đã ghi nhận những thành tựu xuất khẩu không hề nhỏ, song, hiện nay, con cá tra lại đang rơi vào thế khó. Giá cá tra có thời điểm chạm đáy khiến cho người nuôi thua lỗ.
Theo dự báo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018. Tính đến cuối tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra mới đạt trên 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với sự sụt giảm về kim ngạch, diện tích nuôi mới từ đầu năm đến hết tháng 11/2019 đạt 3.448 héc ta, giảm 5% so với cùng kỳ; giá cá tra nguyên liệu những tháng đầu năm 2019 liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn dao động ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg (thấp hơn nhiều so với mức giá 30.000 đồng/kg năm 2018). Nguyên nhân được giới chuyên gia phân tích: Trong khi diện tích nuôi cá tra “phình ra” đẩy nguồn cung tăng mạnh, thì tại các thị trường nhập khẩu lại đang siết chặt, khiến cho giá cá tra giảm sâu. Đặc biệt, hai thị trường nhập sản lượng cá tra lớn của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc thì nay đã chững lại. Điều này khiến cho các DN xuất khẩu cá tra rơi vào thế khó, người nông dân cũng lâm tình trạng thua lỗ nặng nề.
Phân tích rõ hơn về thị trường nhập khẩu, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, Trung Quốc trước đây nhập nhiều cá tra của ta, nhưng hiện nay Chính phủ nước này đã có kế hoạch tăng nguồn cung từ trong nước, hay nói cách khác họ đang lên kế hoạch “nội địa hóa” cá tra, đó là nguyên nhân khiến cho cá tra xuất sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh thời gian qua. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, thị trường Trung Quốc cho phép nhập khẩu tiểu ngạch thì nay họ siết chặt nhập khẩu, yêu cầu hàng phải xuất chính ngạch cùng những tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ khác khiến xuất khẩu cá tra gặp khó. Theo ông Quốc, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dù được dự báo vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đạt được mức kim ngạch như kỳ vọng.
Không chỉ gặp khó tại thị trường Trung Quốc, cá tra Việt cũng gặp nhiều rào cản thương mại từ thị trường Mỹ với nhiều biện pháp, công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước. Đó còn chưa kể, Mỹ cũng đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ thị trường khác như Canada, Ấn Độ, Chi lê, Indonesia… Điều này cũng đã được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo trước đó. Cụ thể, theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng còn tiếp tục giảm. “Rào cản thương mại và kỹ thuật đang tiếp tục gây trở ngại cho các DN Việt Nam tại thị trường này” – VASEP nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nêu lên nguyên nhân sâu xa của những khó khăn hiện nay đối với ngành cá tra, giới chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, nguồn cung mới là yếu tố chính. Theo đó, năm 2018, sản lượng cá tra đã tăng hơn 20% so với năm 2017 và sản lượng này tiếp tục gia tăng trong quý I và II/2019. Việc gia tăng nguồn cung là do người dân tự phát mở rộng diện tích nuôi trồng, và theo quy luật, khi cung vượt cầu, tất yếu giá sẽ giảm. Chính bởi vậy, làm sao để ngăn chặn tình trạng tăng nóng diện tích nuôi trồng, ổn định nguồn cung, đó mới là điểm cốt lõi để giảm thiểu khó khăn cho ngành cá tra hiện nay.
Bên cạnh đó, để vững chân tại thị trường xuất khẩu, bản thân mỗi DN cần phải nâng sức cạnh tranh bằng cách đầu tư đổi mới công nghệ và quan trọng hơn cả là, loại bỏ tư duy chạy theo sản lượng. Tình trạng xuất khẩu ồ ạt, chạy theo sản lượng không quan tâm đến chất lượng chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN xuất khẩu đánh mất chữ tín, mất niềm tin tại thị trường xuất khẩu.
Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018. Tính đến cuối tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra mới đạt trên 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.