Kinh tế

Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh

Hồ Hương 06/12/2024 20:19

Để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo từ đó tạo cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện.

Sáng ngày 6/12/2024, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, với mục tiêu xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế.

Giới chuyên gia cũng khẳng định năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

mp1.jpg
Các đại biểu chủ trì Diễn đàn

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường cần tập trung vào cơ chế cạnh tranh, mà yếu tố cốt lõi là giá. Trong nền kinh tế thị trường, giá được xác định dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, từ đó quyết định hoạt động của cả hệ thống kinh tế. Với hai trụ cột an ninh lương thực và an ninh năng lượng, hai mặt hàng chiến lược là gạo và điện được xem là trung tâm điều hành chính sách.

Ông Thiên chỉ ra rằng trong quá khứ, chính sách an ninh lương thực tập trung vào tăng sản lượng và giữ giá lúa thấp, nhằm đảm bảo nguồn cung. Tương tự, với an ninh năng lượng, chính sách điện lực được giao cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đặt mục tiêu giữ giá điện thấp, dẫn đến hệ quả lâu dài là thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực lớn lên nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Giá điện thấp đã hạn chế thu hút đầu tư vào ngành, đặc biệt trong các dự án công nghệ cao tiêu thụ năng lượng lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ lạc hậu tận dụng lợi thế giá năng lượng rẻ để đầu tư, kéo theo việc khai thác tài nguyên quá mức và phát thải khí nhà kính tăng cao.

Thống kê cho thấy mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 33,5% mức trung bình thế giới, trong khi lượng phát thải CO₂ từ hoạt động năng lượng lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2020. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế thấp, khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ điện/GDP cao nhất.

Vẫn theo ông Trần Đình Thiên giá điện thấp không thực sự mang lại lợi ích lớn cho người dân nghèo mà chủ yếu ưu đãi các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả là ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung và hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo ra những bất cập về cơ cấu đầu tư và phân bổ nguồn lực.

Trong bối cảnh hiện tại, Quy hoạch Điện VIII đã vạch ra lộ trình tăng trưởng năng lượng với trọng tâm là công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, Việt Nam cần giải quyết bài toán định giá điện, chuyển từ chính sách hỗ trợ giá thấp sang cơ chế cạnh tranh thị trường, từ đó, thu hút đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng.

Vị chuyên gia này cho rằng để phát triển bền vững ngành năng lượng, Việt Nam cần tập trung khai thác các nguồn lực tiềm năng như thủy triều, hải lưu nóng và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chỉ đạo của Thủ tướng và Tổng Bí thư là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy đổi mới cấu trúc phát triển kinh tế.

Quy hoạch Điện VIII cần được đánh giá lại nghiêm túc, không ngại điều chỉnh nếu cần thiết. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự linh hoạt trong tư duy điều hành của Đảng và Nhà nước. Điển hình, việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo như gió và mặt trời cần đi đôi với việc khắc phục bất cập trong vận hành, chẳng hạn như các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.

PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra bài học từ chính sách giá cố định (FIT) đối với năng lượng tái tạo, đặc biệt ở Ninh Thuận, là minh chứng cho sự cần thiết phải chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường. Việc định giá không phù hợp đã gây ra những hệ lụy lớn, từ lãng phí tài nguyên đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận minh bạch, công bằng, tránh phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Ông Thiên đề xuất triển khai cơ chế giá điện hai thành phần - bao gồm giá công suất và giá theo sản lượng tiêu thụ - như một giải pháp hiệu quả đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, trong đó có Trung Quốc. Cơ chế này không chỉ khuyến khích đầu tư vào năng lượng mà còn giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, cân bằng cung cầu và giảm áp lực lên hệ thống năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cảnh báo rằng, việc thực hiện chuyển đổi sang cơ chế giá thị trường sẽ gặp không ít thách thức, đặc biệt khi nhu cầu năng lượng gia tăng đột biến trong những năm tới. Nếu không có những chính sách linh hoạt và đồng bộ, nguy cơ mất cân bằng năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế rất cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quyết tâm đổi mới cơ chế giá điện không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế dựa trên nền tảng thị trường cạnh tranh. Chính sách này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam chuyển đổi thành công sang một hệ sinh thái năng lượng hiệu quả, bền vững và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh