Phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 15, khoá VIII, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định 4 nguồn lực để phát triển tôn giáo.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng phát biểu tại hội nghị.
Theo Giáo sư Đỗ Quang Hưng, nếu như cần lấy sự kiện gần nhất về tôn giáo trong thời gian gần đây thì phải nói đến Chỉ thị 18, chỉ thị là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và “nhạc trưởng” là Ban Dân vận Trung ương, người làm công tác chuyên môn rất kỳ vọng vào chỉ thị này.
Vấn đề đầu tiên mà chỉ thị đề cập đến là nguồn lực của tôn giáo, nguồn lực bắt nguồn từ 4 loại hình: nguồn lực về kinh tế vì trước đây tôn giáo Việt Nam ở miền Nam giàu hơn miền Bắc nhưng giờ vị trí đã đảo lộn; nguồn lực tiếp theo là về cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, an sinh; nguồn lực về văn hóa, đạo đức và nguồn lực các tôn giáo có vị trí trong an ninh, sinh tồn và sức khỏe - đây vừa là đời sống xã hội, vừa là đời sống tâm linh và vừa là đời sống kinh tế.
“Hiện các tôn giáo khác nhau về nguồn lực, nếu thuần túy về nguồn lực kinh tế thì có Tin lành, Phật giáo và Hồi giáo, cùng với đó vấn đề đời sống tín ngưỡng, tâm linh không chỉ phát triển ở cộng đồng mà nó đã trở thành nguồn lực kinh tế, chính vì vậy, khi nhắc đến sự phát triển của tôn giáo thì không nên “cào bằng”, “phân biệt” mà phải kích thích sự phát triển của tôn giáo từ 4 nguồn lực trên”, GS Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh.
Từ những nội dung của Chỉ thị 18-CT/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS Đỗ Quang Hưng đề nghị, cần phải điều chỉnh luật dân sự để các tổ chức tôn giáo có pháp nhân dân sự trong hoạt động, đồng thời cần điều chỉnh luật giáo dục nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở rộng các trường dạy nghề và hệ thống giáo dục phổ thông trong đồng bào tôn giáo.
“Phải đưa vấn đề thuế tôn giáo vào Luật tín ngưỡng tôn giáo vì thuế là vấn đề quan trọng trong quản lý sự phát triển về kinh tế đất nước và tạo sự sàng lọc cho các tổ chức tôn giáo phát triển”, GS Đỗ Quang Hưng đề nghị.
Bên cạnh đó, GS Đỗ Quang Hưng cũng cho rằng, Mặt trận các cấp không thể “bỏ ngỏ” các hoạt động tôn giáo mà cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động của các tổ chức tôn giáo thông qua hình thức dân sự hóa hoạt động tôn giáo; quan tâm tới đời sống tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào tôn giáo vì hiện nay tam giác tôn giáo – tín ngưỡng – tâm linh đang trở thành một tam giác liên kết. Chính vì vậy muốn phát huy quyền sống con người thì Mặt trận nên mở rộng phạm vi hoạt động và đưa tín ngưỡng tâm linh vào nghiên cứu để phù hợp với thực tế.