Phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam: Đầu tư cho nguồn nhân lực

XUÂN LONG 25/09/2022 07:40

Trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là điều quá mới mẻ, cũng không quá xa vời. Các chuyên gia cho rằng, AI đã đi vào mọi ngõ ngách. Từ việc hỏi đáp trên mạng hay khi dùng một chiếc máy hút bụi ở nhà, chúng ta đã ứng dụng phần nào trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phát triển, ứng dụng và đào tạo AI ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao.

AI giúp tối ưu chi phí và nguồn lực

Trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, chúng ta đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.

Các chuyên gia về AI cũng thừa nhận, trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều doanh nghiệp của Việt Nam ứng dụng, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống cũng như hỗ trợ người lao động ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, AI cũng mang lại năng suất, rút ngắn thời gian cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Nói như ông Hoàng Ngọc Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, AI hiện nay đi vào mọi ngõ ngách, khu vực rất nhỏ như tự động hóa, đồ gia dụng... giúp mang lại nguồn doanh thu lớn, tối ưu chi phí cho doanh nghiệp và tăng trải nghiệm của khách hàng.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam với chủ đề “AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai” cũng vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/9, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, cũng như những người quan tâm đến nghiên cứu, phát triển AI Việt Nam.

Làm thế nào để công nghệ trí tuệ nhân tạo của Việt Nam theo kịp các nước phát triển, TS Bùi Hải Hưng - Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI, nêu ra 3 mục tiêu cần thực hiện: nghiên cứu, nhân lực và định hướng ứng dụng AI. Ở góc độ nghiên cứu, theo một xếp hạng quốc tế công bố vừa qua, Việt Nam đứng thứ 26 thế giới về năng lực nghiên cứu AI. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng Singapore là hai quốc gia nằm trong bảng xếp hạng này. Các nghiên cứu trong nước cũng không cách quá xa các nước châu Âu như Ba Lan, Tây Ban Nha... và xếp trên một số nước như UAE.

Dẫn số liệu từ IBM, 35% doanh nghiệp báo cáo AI đã giúp tăng doanh thu tối thiểu 5%, ông Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc FPT Smart Cloud khẳng định, AI đang giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và nguồn lực. Bên cạnh dữ liệu được phân tích bởi máy tính, AI giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của AI đang mang đến, tạo ra động lực rất lớn, mang lại năng suất cho doanh nghiệp, giúp tạo ra bước nhảy vọt.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, AI cũng có nhiều đóng góp quan trọng. Ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc sản phẩm, Trung tâm không gian mạng Viettel nhận định, AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp ứng dụng AI trong ngành tài chính - ngân hàng tăng trưởng rõ nét từ năm 2019. Một số ngân hàng quốc tế và Việt Nam ứng dụng AI như JP Morgan, Tokyo, ING, TPBank, MB Bank... Dự báo 3 năm tới, giá trị AI tăng gần gấp đôi so với 2022. Tuy nhiên, theo ông Vinh, thực tế ứng dụng AI chỉ mới đáp ứng thử nghiệm và thăm dò, chưa ứng dụng triệt để vào nghiệp vụ của công ty ngân hàng. Ông gợi ý các doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng có thể ứng dụng công nghệ chatbot, voicebot để thay thế các phương tiện truyền thống.

Ở góc độ doanh nghiệp ứng dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo, ông Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc AI mảng Tăng trưởng Kinh doanh của MoMo, cho biết ứng dụng AI đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo ông Vũ, MoMo cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng trực tiếp trên MoMo App, không cần gặp mặt và rút ngắn thời gian, phản hồi trên app trung bình là 10 giây, trong khi thời gian hậu kiểm tại ngân hàng trung bình là 3 giờ. Việc ứng dụng AI cũng được triển khai khắp các điểm chạm với người dùng như: tìm kiếm, hiển thị dịch vụ, phân phối quảng cáo, khuyến mãi... để thúc đẩy tương tác và đem lại trải nghiệm đơn giản, tiện lợi hơn.

Sớm đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học

Nhân lực của ngành AI Việt Nam là một trong những vấn đề nhiều người quan tâm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cũng cho rằng, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở các lĩnh vực khác. “Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin thì giờ là xóa mù AI”, Phó Thủ tướng khẳng định. Theo đó, ông mong muốn đưa AI vào trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.

Bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo Việt Nam cũng được các chuyên gia quan tâm, đề cập. TS Bùi Hải Hưng thừa nhận, phát triển AI thực sự khó, cần nhiều nhân tài và sự hỗ trợ. Vì thế, việc đào tạo thế hệ kế cận và nuôi dưỡng nhân tài ngành AI cần được chú trọng. Ngoài ra, cần đưa AI vào các ngành sản xuất để đạt giá trị thương mại cao, bởi mục đích cuối cùng vẫn là chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành tính thực tiễn.

TS Đinh Minh - Chủ nhiệm cấp cao chương trình Thạc sĩ Trí tuệ nhân tạo (Đại học RMIT) cho biết, việc đào tạo AI mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng. Ngành phát triển AI rất nhanh và sâu, nên khó tìm được chuyên gia có đủ và sâu kiến thức để theo kịp sự phát triển này. Để trang bị kiến thức cho sinh viên, RMIT hướng đến phát triển phần mềm 2.0 (Software 2.0), với mô hình lập trình mới và đang phát triển như một phần quan trọng trong kỹ thuật Machine Learning.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho biết, trong quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, đơn vị (cả tư nhân và nhà nước), nhận thức, nhu cầu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu ngày càng lớn do cuộc cách mạng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi trao đổi với các chủ đơn vị về khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, chuyên gia luôn nhận được câu trả lời: “Thiếu hụt nguồn nhân lực nằm trong 3 khó khăn hàng đầu”.

Từ những khó khăn này, theo ông Hoài, việc phát triển nhanh và sâu, nên rất khó tìm được một người giỏi AI toàn diện. Vì vậy, cần đào tạo các kỹ năng về từng lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo. Trong những năm qua, các đại học tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành nhưng lượng học sinh, sinh viên đăng ký đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. “Phải chăng do chúng ta nói về nghề AI cao siêu, chung chung nên phụ huynh và học sinh khó có lựa chọn, do đó thiếu càng thiếu?”, ông Hoài nêu băn khoăn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình - Trưởng nhóm nghiên cứu Tối ưu, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều trăn trở về thực trạng đào tạo ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay. Bộ GDĐT đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Điều này phần nào khẳng định sự hợp tác cùng thúc đẩy ngành của xã hội, Bộ GDĐT và các bộ, ban, ngành.

Giải đáp những vấn đề trong việc kết nối giữa đào tạo nhân lực và sử dụng thực tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có bức tranh rõ ràng nghề trí tuệ nhân tạo là làm gì? Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, cần đánh giá chính xác về mức độ ứng dụng tự động hóa tại các công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần truyền thông để thay đổi suy nghĩ tồn tại lâu nay, đó là ứng dụng AI sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Theo TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, nhà nước có thể hỗ trợ các chính sách và tài chính nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được, do đó, kiến nghị các bộ liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính, cơ chế chính sách.

Đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Không phải tới bây giờ, việc nghiên cứu, phát triển trí thuệ nhân tạo mới được các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, bàn luận. Từ cuối thế kỷ trước, những cuộc bàn bạc về trí tuệ nhân tạo cũng đã có lúc trở nên sôi nổi. Tuy vậy, dấu ấn có tính cột mốc được nhiều người nhắc tới là hồi tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030. Chiến lược xác định rõ quan điểm coi AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Chiến lược hướng tới mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong CMCN 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Theo Chiến lược, một mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Cũng đến năm 2025, hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.

Cùng với đó, đến năm 2025, AI được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã vạch ra 5 nhóm định hướng chiến lược, bao gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam: Đầu tư cho nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO