Ở độ tuổi 30, nghỉ làm trong ngành tài chính ngân hàng để học phi công cơ bản tại New Zealand, sau đó đăng ký khóa Phi công tập sự của Bamboo Airways; đó là những lựa chọn “rẽ ngang” của phi công tập sự Nguyễn Hoàng Sơn.
Bước ngoặt sự nghiệp
Sở hữu vẻ bề ngoài điển trai, Nguyễn Hoàng Sơn (30 tuổi, quê Hà Nội) - là 1 trong các học viên của khóa đào tạo phi công tập sự đầu tiên của Bamboo Airways.
Sau khi tốt nghiệpđại học, Sơn cho biết anh làm việc trong ngành tài chính ngân hang 4 năm. “Dù công việc hồi đó tương đối ổn định, nhưng tôi vẫn cảm thấy có một khoảng trống khó tả trên con đường nghề nghiệp, mong muốn đi bay nhen nhóm trong mình từng chút một.” Vì lý do đó, anh đã quyết định từ bỏ chuyên ngành được đào tạo bài bản để “rẽ ngang”, bắt đầu quá trình ươm mầm ước mơ làm phi công từ một "trang giấy trắng".
Dành 20 tháng để học phi công cơ bản ở New Zealand, từ 2017 đến đầu năm 2019, đầu năm 2019, anh về nước, đợi Bamboo Airways tuyển dụng khóa học đầu tiên.
Sơn chia sẻ: “Mình đợi ròng rã gần 1 năm, đến tháng 12/2019 thì Bamboo mới bắt đầu tuyển dụng. Sau đó mình nộp đơn ứng tuyển, rồi được gọi đi phỏng vấn. Ai đó từng nói rằng sự nghiệp của phi công có 3 dấu mốc quan trọng nhất. Một là hoàn thành khóa đào tạo phi công cơ bản – vốn đã khó khăn, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc; hai là tìm kiếm công việc đầu tiên ở một hãng hàng không; ba là trở thành cơ trưởng. Hôm phỏng vấn đó, mình đang ở mốc quan trọng thứ hai cho nên cảm thấy thực sự lo lắng”.
Nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, anh cho biết cuộc phỏng vấn đã diễn ra suôn sẻ. “Ngay trong ngày hôm sau, mình nhận được tin báo đậu, bản thân cảm thấy rất vui”, Sơn cho hay.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn,anh được học lý thuyết, vượt qua một bài kiểm tra bay giả lập (bay SIM), bao gồm nhiều tình huống khẩn nguy. Sau bài kiểm tra này, học viên sẽ tiếp tục được đào tạo bay SIM cất hạ cánh bằng dòng máy bay A320. Hoàn thành buổi đào tạo này, học viên sẽ chính thức được bay tích lũy kinh nghiệm chở khách với sự giám sát của giáo viên – là phi công dạn dày kinh nghiệm của Hãng.
200 giờ bay tích lũy kinh nghiệm
Với Sơn, quãng thời gian bay tích lũy kinh nghiệm này thực sự quan trọng, quyết định thành bại của cả một khóa học. Trong 200 giờ bay tích lũy kinh nghiệm này (khoảng 4 đến 6 tháng), anh sẽ ứng dụng tất cả những gì mình đã học, nhất là kiến thức được học ở khóa Phi công tập sự của Bamboo Airways, vào việc điều khiển những chuyến bay thật với các hành khách.
“Thực sự khoảng thời gian này khiến mình cảm thấy áp lực vì lượng kiến thức thực tế rất lớn”, Sơn nói. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm, sự chỉ dẫn của các thầy mà anh dần vững vàng, bình tĩnh hơn trong quá trình chinh phục bầu trời.
Nói về chọn Bamboo Airways để “đầu quân”, tại sao phải bỏ ra cả năm trời chờ đợi trong khi có nhiều địa chỉ đào tạo phi công vẫn đang tuyển sinh liên lục, anh chia sẻ rằng: “Bamboo Airways khá hấp dẫn mình bởi đây là Hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hướng tới chuẩn 5 sao. Mặt khác, chế độ đãi ngộ của Hãng với phi công khá tốt. Trước khi ứng tuyển vào Bamboo Airways, mình đã xin lời khuyên của các phi công mình quen đang làm tại Hãng, đa phần các mọi người đều cảm thấy hài lòng khi làm việc ở đây nên chẳng có lý do gì mình không vào Bamboo để đào tạo cả”.
Minh bạch, công khai, tiến độ nhanh chóng
Nhận định về quá trình đào tạo phi công của Bamboo Airways, Sơn cho biết anh cảm thấy khá hài lòng. Theo anh, việc theo học ở Bamboo Airways nhiều “điểm cộng”. Một là về tiến độ đào tạo nhanh chóng, quá trình đào tạo rõ ràng, minh bạch, không ai được ưu ái hay nâng đỡ, cá nhân cần tự chứng minh bản thân bằng năng lực.
“Ở đây, bạn sẽ nhận đúng và đủ những gì Hãng cam kết”, anh Sơn nói. Toàn bộ các kết quả kiểm tra năng lực phi công đều được lưu lại để đảm bảo tuyệt đối tính minh bạch.
Mặt khác, trong gói đào tạo tại Bamboo Airways, yêu cầu giờ bay của phi công tập sự là 200 giờ bay tích lũy kinh nghiệm, nhiều hơn tương đối so với các hãng khác. “Với việc được bay nhiều giờ giúp mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn, từ đó có thể nhanh chóng trở thành cơ phó hơn”.
Ngoài ra, quá trình đào tạo đều được thực hiện công khai, dưới sự đánh giá sát sao của các giáo viên phi công có trình độ, kinh nghiệm và uy tín. “Các thầy cô tại Bamboo Airways đều là phi công giàu kinh nghiệm, cho nên mình cảm thấy bay với các thầy cô mỗi ngày đều học được ‘một sàng khôn’”, Sơn cho biết.
Chở khách là động lực
Với một số người, ý nghĩ về việc chịu trách nhiệm cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay là một áp lực lớn, thì với anh Sơn, đó lại là động lực. "Việc chở khách khiến mình có trách nhiệm hơn trong công việc, thúc đẩy bản thân trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa, bởi nếu có vấn đề, đó không chỉ là câu chuyện sống còn của riêng mình nữa rồi.”
Anh Sơn cho biết, trong nghề này, dường như mỗi ngày, mỗi chuyến bay đều mới mẻ, có những tình huống để mình học hỏi, đặc biệt khi thời tiết tại các sân bay Việt Nam khá đặc thù. Ví dụ các sân bay ở vùng núi như Buôn Ma Thuột, Pleiku thường có nhiều gió, hay có mây mù và mưa dông; sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi chiều hay có sấm chớp nên việc bay tới đây cũng khá thách thức. Khi ấy phi công rất cần sự bình tĩnh, khéo léo và kiến thức vững vàng.
Hiện tại, Nguyễn Hoàng Sơn đang nỗ lực hoàn thành 200 giờ bay tích lũy kinh nghiệm để thi tuyển lên vị trí cơ phó tại Bamboo Airways.
"Mình chọn làm phi công vì đây là nghề phù hợp. Ngoài tính chất công việc hấp dẫn, có thể sống tốt bằng lương, đối với mình, quan trọng nhất là nếu bạn làm đúng, làm đủ và làm có trách nhiệm, là đã có thể hoàn thành tốt công việc. Mình thích sự chính trực và công bằng. Phi công là công việc như thế”, anh Sơn nói.