Chọn đề tài lịch sử chuyển tải lên màn ảnh rộng, bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng sau hơn 1 năm ra mắt đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn xung quanh bộ phim.
Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”.
PV: Thưa anh, từng có nhiều bộ phim kể lại chuyện ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” do anh làm đạo diễn kể về thời hoạt động cách mạng của Bác ở Thái Lan trong những năm 1928- 1929. Theo anh làm phim về lãnh tụ khó nhất ở điều gì?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Là cảm xúc, thứ quan trọng nhất khán giả cảm được từ bộ phim, nhưng đối với những phim về lãnh tụ, điều đó khó vô cùng. Muốn cảm xúc của nhân vật chạm tới cảm xúc của người xem thì phải làm cho khán giả đồng cảm với nhân vật, phải lo lắng, buồn vui cùng nhân vật… những nỗi lo, những hoàn cảnh mà lãnh tụ trải qua rất ít khi khán giả từng trải nghiệm. Số phận nhân vật thì khán giả đã biết trước rồi… Tìm ra thủ pháp để kể một bộ phim về lãnh tụ mà có cảm xúc nó giống như tìm đường lên trời vậy.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Việc làm phim “Thầu Chín ở Xiêm” cho thấy nỗ lực của những người thực hiện. Anh tự tin với dòng phim về đề tài chiến tranh, cách mạng?
- Tôi chỉ làm thứ mà tôi hiểu nhất, là phim ảnh, phim ảnh và phim ảnh thôi. Với tôi thì đề tài nào, dù là quá khứ, hiện tại, lịch sử hay chiến tranh thì mỗi bộ phim cũng có chìa khóa riêng cho nó. Tôi có những bạn bè trong một ê kíp tốt mà ở đó mỗi thành viên luôn cố gắng tận cùng để đạt hiệu quả cao nhất, thỏa mãn mục tiêu nhà sản xuất đặt ra.
Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” sau khi công chiếu trong nước cũng đã được đưa sang Thái Lan chiếu, đặc biệt là cho bà con Việt kiều ở Udonthani - mảnh đất lịch sử ghi dấu ấn của Bác Hồ năm xưa và nay đã là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh có thể chia sẻ về những tình cảm của khán giả dành cho bộ phim không?
- Bà con Việt kiều Thái Lan rất khác với Việt kiều ở các nước khác. Trước tiên họ yêu quí và thần tượng Bác Hồ, họ trân trọng nền Độc lập mà Bác mang lại cho dân tộc chúng ta. Họ biết ơn Bác như một ông Tổ được thờ cúng trong gia đình và tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự trân trọng trong từng ánh mắt của họ. Có rất nhiều người đã xem phim đến lần thứ 3, thứ 4 và họ vẫn xúc động.
Có lẽ chúng tôi đã làm được điều gì đó trong bộ phim. Với tôi làm được một bộ phim về lãnh tụ mà ít nhiều chạm được tới cảm xúc của người xem cũng là đủ rồi. Nó mách bảo rằng dường như chúng tôi đã đúng hướng.
Trân trọng cảm ơn anh!