Chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cung ứng thực phẩm thiết yếu tại huyện Chương Mỹ và huyện Thanh Oai.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu huyện Thanh Oai và Chương Mỹ quán triệt nghiêm túc tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, tới tận xã, thôn, xóm, hộ gia đình; thực hiện kiểm soát mang tính chất “tự quản”, theo tính chất có việc cần thiết mới ra đường.
Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định chống dịch và tuyên truyền công khai. Khi có tình huống xảy ra phải đẩy mạnh truy vết, khoanh vùng dập dịch ngay.
Nêu vấn đề nguy cơ đối với các khu, cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu huyện thực hiện tốt các phương án về chống dịch trong khu công nghiệp đã có, trong trường hợp có dịch phải xác định, truy vết, khoanh vùng, tiến hành phối hợp cơ quan chức năng để có kết quả sớm.
Trong buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đi thực tế tại Siêu thị Lan Chi, Chợ trung tâm thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và Công ty TNHH B.Braun Việt Nam tại Cụm công nghiệp Thanh Oai.
Tại Siêu thị Lan Chi, hàng hóa đảm bảo dồi dào, đa dạng, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, lượng người dân đến mua sắm không đông, đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch như đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, đứng giãn cách 2 m.
Tại chợ trung tâm thị trấn Chúc Sơn, các cổng chợ đều bố trí các biển bảng tuyên truyền, lực lượng liên ngành Công an, Y tế, Quân sự thường xuyên, liên tục kiểm tra, rà soát, tuyên truyền nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trước khi vào chợ, 100% người dân phải đeo khẩu trang; được cán bộ y tế đo thân nhiệt, thực hiện sát khuẩn tay nhanh. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị trấn Chúc Sơn cũng đã bố trí loa lưu động để tuyên truyền thường xuyên công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND Thành phố Hà Nội.
Tại Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm công nghiệp Thanh Oai), các phương án, kịch bản cũng được xây dựng và triển khai nghiêm ngặt theo yêu cầu phòng chống dịch. Đây là đơn vị sản xuất thiết bị y tế với hơn 1.500 công nhân nên công tác phòng dịch được công ty thực hiện rất cẩn trọng.
Công ty đã thành lập Ủy ban Kiểm soát rủi ro, hoạt động 24/24 giờ với sự tham gia của Ban lãnh đạo công ty để chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả các biện pháp phòng dịch đã được kích hoạt ở mức cao nhất, như: Các tay vịn cầu thang, bề mặt tiếp xúc đều được lau rửa bằng cồn 6 lần/ca làm việc; công nhân đến làm việc đều đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, bảo đảm khoảng cách theo quy định…
Động viên đội ngũ nhân viên siêu thị, tiểu thương và nhân viên, người lao động, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đây là thời điểm khó khăn chung, vì vậy, Thành phố mong bà con đồng lòng, chung sức cùng với các cấp chính quyền thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND để mau chóng đẩy lùi bệnh dịch bệnh.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan, sau 1 ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, qua kiểm tra của lực lượng chức năng tại các chợ, lượng hàng hoá nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân.
Lượng người đi chợ vắng hơn so với ngày hôm trước, tương đương ngày cuối tuần bình thường, chỉ tập trung chủ yếu vào sáng sớm. Người dân đến các chợ truyền thống để chọn mua thực phẩm (rau củ, quả, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định, tuy nhiên, tại một số chợ giá tăng nhẹ đối với một số mặt hàng rau củ, thịt.
Tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, lượng khách đến mua sắm vắng hơn so với hôm trước. Theo báo cáo của một số đơn vị, lượng khách đến mua sắm tương đương ngày thường, cụ thể: Hệ thống siêu thị Vinmart lượng khách đến mua sắm giảm, tương đương ngày bình thường, Hệ thống BigC lượng khách giảm 30% so với ngày hôm trước, Hệ thống siêu thị Lan Chi khách đến mua sắm tăng nhẹ so với ngày thường… Khách hàng đến các siêu thị, chuỗi chủ yếu để mua các nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, quả, thịt, cá).
Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm dồi dào, hàng hóa được cung cấp liên tục lên kệ hàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số hệ thống siêu thị đã tăng lượng cung ứng gấp 200% so với bình thường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định, không tăng so với bình thường.