“Các mẫu vật như sừng tê giác, ngà voi… thu được từ các vụ buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã không bán thanh lý mà để trong kho. Vừa qua Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao cho xin ý kiến các bộ ngành về việc tiêu huỷ mấy chục tấn ngà voi đang cất giữ trong kho. Bộ Công an đã tham gia với Bộ NN&PTNT là đồng ý chủ trương cho tiêu huỷ số mẫu vật này” - Trung tướng Trần Văn Vệ- Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6.
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, có 3 khó khăn trong thực thi. Thứ nhất là vướng về hành lang pháp lý khi trước đó Bộ Luật hình sự năm 1999 chỉ có 1 điều quy định xử phạt về buôn bán động vật hoang dã. Thứ hai, khi bắt được một vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác, mật gấu… cần một thời gian dài để thẩm định mẫu vật. Không như nhiều mẫu vật khác có đối chứng ngay, những thứ này có cái Việt Nam có, có cái không nên cần có thời gian dài để các cơ quan thẩm định có đúng hay không. Hoặc đối tượng bị bắt khai sừng tê giác khai mua ở Châu Phi nhưng qua điều tra biết rằng chúng được mua ở Đông Nam Á. Khó thứ 3 là khó về thủ đoạn của tội phạm. Hiện giá thị trường của động thực vật hoang dã rất đắt nên các đối tượng không từ thủ đoạn nào để vận chuyển. Năm 2014, công an tỉnh Thái Bình bắt được đối tượng đang vận chuyển 1,1kg sừng tê giác từ Nghệ An ra Quảng Ninh. Chúng thay đổi 3 lần biển số xe nhằm qua mặt cơ quan điều tra. Hoặc có những vụ như ở Bắc Cạn khi truy bắt tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã, phía Công an còn thu giữ 2 khẩu súng quân dụng. Điều đó chứng tỏ tội phạm sẵn sàng chống trả rất quyết liệt.
Về buôn bán động vật hoang dã, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới nào so với Bộ Luật Hình sự năm 1999, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 đã mở rộng phạm vi đối tượng các loại động, thực vật hoang dã được bảo vệ; tăng mức phạt, trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm; bổ sung nhóm hành vi tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi, đồng thời đã định lượng cụ thể để xử lý hình sự theo khối lượng tang vật vi phạm; hình sự hóa hành vi tàng trữ cá thể (đã chết), bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài quy định tại nhóm IB và Phụ lục I CITES; bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Bộ Công an đã thành lập hai đơn vị chuyên trách với quyết tâm đấu tranh quyết liệt với các buôn bán trái phép động thực vật hoang dã. Mức xử phạt về kinh tế và phạt tù cao hơn so với bộ luật trước đó.
Để giảm tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam, theo Trung tướng Trần Văn Vệ, trước hết cần thay đổi chính quan niệm, suy nghĩ trong bản thân mỗi người dân Việt Nam về tác dụng của những loài động thực vật hoang dã này. Tôi lấy ví dụ, đến giờ nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ mới sinh nên uống vảy tê tê cho nhiều sữa hay chân tay bị đau thì dùng mật gấu để xoa bóp. Để công tác phòng chống buôn bán động thực vật hoang dã ngày càng có hiệu quả, cần sự đóng góp của các cơ quan truyền thông cùng các cơ quan chức năng phổ biến kiến thức với người dân.