Tính đến ngày 15/3, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 17 tỉnh thành. Dù chưa lây lan sang các tỉnh phía Nam, nhưng nguy cơ cũng rất lớn nếu tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch có thể lan rộng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, lực lượng QLTT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Đối với những tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt, cử người trực 24/24 giờ tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn… và có báo cáo liên tục từng ngày.
Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước nêu rõ, theo tính toán hiện nay, lượng lợn bệnh bị tiêu hủy chỉ chiếm 0,03% tổng nguồn cung nên nguy cơ thiếu cung trên thị trường là không quá lớn. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là những thông tin tuyên truyền chưa chính xác, chưa được kiểm chứng hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng giảm cầu, giá thịt lợn giảm mạnh sẽ gây tình trạng bất ổn trên thị trường, ảnh hưởng tới người sản xuất. Chính vì thế, Vụ Thị trường trong nước cũng sẽ có kế hoạch đối với nhà sản xuất nếu lượng cầu giảm, tránh ảnh hưởng nguồn cung sau này, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất.
Trước tình hình diễn biến của dịch, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lực lượng QLTT phải tổ chức 2 đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An và Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh trực tiếp đi kiểm tra trong tháng 3/2019.
* Tại Hà Nội, hiện lực lượng QLTT đã tham gia 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông gồm chốt cầu Phủ Lỗ, chốt Dốc Vân, chốt cầu vượt Nam Hồng, chốt cầu Thăng Long, chốt Trung Giã và chốt chặn tại xã Thụy Lâm, cửa khẩu phường Lĩnh Nam.