Ngày 28/10, Quốc hội đã tập trung thảo luận về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra một cách tinh vi, phức tạp. Cũng trong ngày 28-10, Đại tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
ĐBQH Lê Thị Nga phát biểu tại Hội trường, ngày 28/10. Ảnh: Hoàng Long.
Nạn sách nhiễu, tham nhũng vặt gây bức xúc xã hội
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội. “Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phối hợp cung cấp thông tin ngay trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng chống tham nhũng chưa rõ ràng, chặt chẽ”- ông Tranh chỉ rõ.
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp, chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, thiếu quy định có hiệu quả để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
“Đặc biệt, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm, trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả PCTN của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng”- ông Hiện nêu rõ.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tham nhũng chỉ có ở người có chức có quyền,
lợi ích nhóm.Người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập. Để chống tham nhũng
cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu
để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi, gây bức xúc xã hội. Tham nhũng chỉ có ở người có chức có quyền, lợi ích nhóm. “Hầu hết mọi lĩnh vực đều có tham nhũng, người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập. Tham nhũng cả ở chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công.
Tham nhũng vặt và hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... tạo ra những thủ tục mà người ta gọi là “lệ phí bôi trơn” - ông Phương chỉ rõ. Để chống tham nhũng trong thời gian tới, ông Phương cho rằng, cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình. Quốc hội cần đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu mua sắm đầu tư công, đồng thời làm sạch bộ máy công quyền.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình và mong đợi xã hội, xử lý tham nhũng rất chậm. Tài sản tham nhũng thu hồi thấp đó chính là điều cử tri coi rằng “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Từ đó ông Nghĩa đề nghị, tỷ lệ thu hồi càng thấp thì án càng phải cao. Có như vậy mới bắt tội phạm tham nhũng nộp tài sản cho Nhà nước, và chỉ được đặc xá khi trả cho Nhà nước hơn 60% tài sản bị thất thoát.
Với ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển của đất nước nhưng kết quả từ điều tra, truy tố, xét xử đều giảm so với năm 2014. “Có loại tội phạm giảm thì được nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan PCTN. Như vậy là có lỗi với nhân dân, với cử tri”- ông Học nói.
ĐBQH Lưu thị Huyền: Tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng do vai trò của gia đình
chưa được đề cao; công tác quản lý trò chơi bạo lực chưa được ngăn chặn, tình trạng
thiếu việc làm chưa được giải quyết; hệ thống quy định pháp luật
trong phòng chống tội phạm còn chưa đồng bộ, đủ sức răn đe.
Đánh giá thẳng thắn về tình hình tội phạm
Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Đại tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt thời gian gần đây một số loại tội phạm như mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng có chiều hướng gia tăng.
Theo Bộ trưởng, tình hình vi phạm pháp luật cũng còn diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường, an toàn thực phẩm, xây dựng, phòng chống cháy nổ. Hành vi phạm tội chủ yếu là lợi dụng sơ hở thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Nhận định về vấn đề trên, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đã chỉ ra những nguyên nhân yếu kém khiến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng tăng cao, như vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế; vai trò của gia đình chưa được đề cao; công tác quản lý trò chơi bạo lực chưa được ngăn chặn, tình trạng giải quyết việc làm chưa được giải quyết; hệ thống quy định pháp luật trong chống tội phạm còn chưa đồng bộ, đủ sức răn đe. Từ đó bà Huyền đề nghị, cần chú trọng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phê bình và tự phê bình, xây dựng cán bộ công chức trong sạch trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, đấu tranh với tội phạm kinh tế, lô đề, cá độ. Đồng thời giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên.
Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), phòng chống tội phạm tội phạm vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Song, điều khiến ông Sinh băn khoăn chính là “nguyên nhân được chỉ ra là không mới và được nói ở nhiều năm qua. Nhưng tại sao đã biết được nguyên nhân và đưa ra được giải pháp song đến nay tình hình phòng chống tội phạm chưa được ngăn chặn. Vậy còn lý do nào khác?
Nhấn mạnh tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, tình hình là nghiêm trọng, vì vậy cần bổ sung các giải pháp tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát để ngăn chặn tình trạng vi phạm xảy ra, ngăn chặn vi phạm học đường...
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Nâng cao trách nhiệm phòng chống tội phạm Hiện nay, tội phạm trẻ hóa có xu hướng phức tạp. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính làm phát sinh loại tội phạm này là do số người nghiện ma túy nhiều, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Thêm vào đó, công tác quản lý giáo dục con em của các gia đình, tổ chức, đoàn thể xã hội làm hời hợt, không đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, vấn đề quản lý đối tượng nghiện ma túy hiện nay cũng chưa thực sự được các cấp, ngành quan tâm chặt chẽ; bên cạnh đó là thủ tục để đưa được đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện còn phức tạp, nên việc đưa số đối tượng nghiện đi cai gặp nhiều khó khăn. Trong khi, đối tượng nghiện ma túy chính là một trong những thành phần có nguy cơ trở thành tội phạm nghiêm trọng cao nhất. Theo tôi, muốn làm giảm tội phạm có xu hướng trẻ hóa, nên cải tiến các quy trình, quy định đưa người đi cai nghiện sẽ giảm đầu vào của tội phạm. Mặt khác, phải nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng Tình hình tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp. Đi vào thực tế, số vụ việc phát hiện, xử lý có xu hướng giảm. Nhưng số vụ việc phát hiện ra không đồng nghĩa với việc tham nhũng trên thực tế xảy ra. Vấn đề là phải làm sao để nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng. Theo tôi, quan trọng là phải kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ cao. |