Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 diễn ra chiều qua 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Thủy hỏa, lũ lụt, như là giặc” nhưng nhận thức về điều này vẫn kém. Vẫn còn tình trạng chủ quan trong điều hành. Đã chủ quan thì thiệt hại sẽ lớn.
Công tác phòng chống thiên tai tốt sẽ tránh được thiệt hại về người và của. (Ảnh: T.L.).
Cảnh báo yếu, lãng phí nguồn lực
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2016 thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 828.661 ha diện tích lúa và hoa mầu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá, giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115 km đê, kè, 938 kênh mương, 122 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở… Tổng thiệt hại về kinh tế lên tới 39.726 tỷ đồng.
Phân tích những lý do vì sao thiệt hại vì thiên tai không giảm, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác dự báo chưa chính xác, chưa kịp thời, phương tiện cứu hộ, cứu nạn thiếu và yếu, cùng đó thiếu biện pháp dài hạn trong phòng chống. Chậm trong di dời dân ở vùng nguy hiểm, thậm chí còn có biểu hiện chủ quan.
“Năm 2016, Lào Cai đã có 34 người bị chết do thiên tai, đây là điều rất đau xót”- ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ngậm ngùi nói. Ông Thể cũng cho rằng dự báo, cảnh báo thiên tai vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm là chính, chưa có phương tiện hiện đại cảnh báo, dự báo khi thiên tai đến bất ngờ. Theo ông Thể, nếu không dự báo tốt bão lũ cho vùng cao sẽ có thêm nhiều sinh linh chết bất ngờ do thiên tai.
Cùng tâm tư này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn mong muốn có công trình tiêu thoát lũ cho hạ du vì hiện khả năng tiêu thoát lũ rất chậm. Còn ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu thực tế ở tỉnh này có rất nhiều tầu (8.000 chiếc) nhưng không có chỗ neo đậu vào mùa mưa, vì thế đề nghị hỗ trợ xây dựng chỗ neo đậu cho tàu thuyền đề đảm bảo an toàn cho người dân; hỗ trợ tàu cứu hộ cứu nạn trên biển vì dù có cảnh báo nhưng dân vẫn ỉ lại không di dời những nơi nguy hiểm, nếu không có phương tiện cứu hộ kịp thời rất khó.
Không chủ quan
Nhìn nhận trong bối cảnh thiên tai nặng nề, các địa phương cũng như các cơ quan phòng chống thiên tai đã chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm, không để người dân nào đứt bữa, sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu cần nhìn thẳng vào yếu kém. “Thủy hỏa, lũ lụt như là giặc nhưng nhận thức về điều này vẫn kém”- Thủ tướng nhấn mạnh, “nên bệnh chủ quan trong điều hành vẫn còn. Còn chủ quan thì thiệt hại còn lớn”.
Dẫn chứng Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ 1/5/2014 mà nay chưa xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia, nhiều địa phương chưa có kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, chưa cập nhật hiện tượng thời tiết cực đoan, phương châm 4 tại chỗ vẫn còn hình thức, nhiều công trình giao thông gây cản lũ, Thủ tướng tiếp tục nêu ra một loạt nghịch lý như hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi thì phải chống lũ, chống hạn, không thể gây lũ mà vẫn nói xả đúng quy trình? Xây hồ chứa mà hạn hán lại không có nước cứu hạn? Thành phố ngay cạnh biển mà không thoát được lũ ra biển, bị lụt nhiều ngày, quản lý quy hoạch thế nào mà không tính được đường thoát lũ? Công tác dự báo dù có nhiều cố gắng, dân rất tin dự báo nhưng nhiều dự báo còn “gây bất ngờ” lớn. Quy trình hỗ trợ khắc phục thiên tai còn chậm, máy móc trong điều hành. Nhiều địa phương hỗ trợ chưa minh bạch, dân chưa đồng tình.…
“Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Tinh thần 4 tại chỗ, giáo dục ý thức cho người dân đặc biệt quan trọng. Bão lũ đến thì khó xử lý nếu không chủ động. Công tác phòng chống thiên tai cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị với phương châm phòng ngừa là chính”- Thủ tướng nói.
Ông Trương Đức Nghĩa. Khó khăn trong việc tìm kiếm cứu nạn Trả lời Đại Đoàn Kết về những khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (TKCN) Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa- Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn cho biết: Còn nhiều khó khăn trong công tác TKCN. Điều này, cần sự chủ động, tích cực của chính quyền địa phương cũng như nhân dân để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo ông Nghĩa, khó nhất vẫn là sự phối hợp còn chưa nhịp nhàng. Chẳng hạn vẫn còn một số địa phương thiếu chủ động nắm tình hình, lúng túng trong xử lý khi thiên tai xảy ra. Trong quá trình kiểm tra, rà soát các kế hoạch, phương án; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” còn biểu hiện chủ quan, nên khi xảy ra sự cố, bão, lũ còn bị động, có nơi chỉ sau vài ngày đã đề nghị cứu trợ; trong xử lý vụ việc TKCN trên biển nhiều vụ đơn giản có thể huy động lực lượng tại chỗ nhưng vẫn đề nghị UBQG TKCN điều động phương tiện gây lãng phí không cần thiết. Việc cung cấp và báo cáo thông tin cứu nạn còn chậm, chưa chính xác. Tình trạng báo nạn giả chưa được khắc phục,trong năm có 499 vụ báo TKCN, trong đó có 119 vụ báo nạn giả. Có nơi chính quyền cơ sở còn chủ quan, chưa thực hiện triệt để việc sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở, đây là khâu yếu nhất dẫn tới thiệt hại về người. Trong khi đó, trang bị, phương tiện, vật tư cho các lực lượng tại chỗ để ứng phó thiên tai, TKCN chưa đáp ứng được yêu cầu; những trang bị hiện đại, chuyên dụng cho các đơn vị chuyên trách và kiêm nhiệm còn thiếu, nhất là các trang bị TKCN biển xa, chữa cháy rừng và ứng cứu sập đổ công trình ngầm... làm trở ngại đến công tác TKCN. Lục Bình (ghi) |