Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội khiến việc đi lại của người dân khó khăn. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại tới cơ sở y tế để khám định kỳ khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính có nguy cơ đột quỵ có thể gặp nguy hiểm.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, Viện Tim mạch Quốc gia trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện nay, số ca khám bệnh tại Viện ít đi nhưng không có nghĩa là số ca bệnh đột quỵ giảm. Hằng ngày, Viện Tim mạch Quốc gia thường xuyên gặp những trường hợp bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim đến cấp cứu tại bệnh viện.
Theo ông Hùng, người bệnh bị tai biến, đột quỵ thể tắc mạch não rất dễ bị tái lại và nhồi máu cơ tim cũng rất dễ xuất hiện trên nền bệnh. Do vậy phải có chế độ phòng ngừa chặt chẽ hơn những người khác. Phải tập luyện đều đặn hàng ngày, ít nhất 30 phút mỗi ngày, chế độ ăn giảm mặn, giảm mỡ, giảm ngọt, ăn tăng cường, rau, củ, quả, cá, các loại hạt chế biến thô. Thuốc điều trị phải duy trì theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
“Các bệnh lý tim mạch gồm cả đột quỵ và các bệnh lý tim mạch khác chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Năm 2020 có tới 19,5 triệu người chết do tim mạch nói chung, bỏ xa nguyên nhân do ung thư. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân dẫn đầu về tỷ lệ mắc và chết trên thế giới. Hai bệnh lý về tim gây chết người nhiều nhất là bệnh tim thiếu máu cục bộ (động mạch vành nhồi máu cơ tim) và đột quỵ não (tai biến mạch máu não). Tùy từng nước và tùy từng thời gian khác nhau mà xếp hạng khác nhau” - ông Hùng cho biết.
Vẫn theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, các yếu tố nguy cơ đột quỵ não có liên quan chặt chẽ đến lối sống. Lối sống lười vận động là yếu tố nguy cơ rất rõ. Một số thới quen có hại như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, tình trạng căng thẳng kéo dài. Thêm nữa là chế độ ăn quá mặn, nhiều chất béo mỡ động vật (trừ cá), thịt đỏ và nhiều đường có hại cho sức khỏe. Nên ăn nhiều rau củ quả tươi, các loại hạt chế biến thô, nên ăn mỗi tuần một bữa cá hoặc ăn thường xuyên càng tốt giúp phòng các bệnh tim mạch rất tốt.
Với những người có tiền sử bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,… phải khống chế tốt các yếu tố nguy cơ. Phòng tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch cần phải thay đổi lối sống, giảm chất béo, ăn nhiều rau củ quả, ăn nhiều cá, không hút thuốc lá, uống rượu, tập luyện thường xuyên.
Ngoài ra cần phải tuân thủ nghiêm ngặt thuốc điều trị. Bên cạnh thay đổi lối sống thì việc uống thuốc đều đặn giúp ngăn ngừa đáng kể các biến chứng của đột quỵ là nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não - những bệnh lý gây tử vong nhanh ở người bệnh.
Đồng thời, nhóm bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là những biến chứng tim mạch là ưu tiên hàng đầu của việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc tiêm vaccine mang lại lợi ích rất đáng kể. Những người bệnh này nếu không may nhiễm Covid-19 thì nguy cơ biến chứng tim mạch và tử vong cao hơn rất nhiều so với người khỏe mạnh bình thường.