Theo PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K, việc phòng ngừa và tăng cường phát hiện sớm được xem là “chìa khóa” trong chiến lược phòng, chống ung thư. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ung thư, tầm quan trọng của sàng lọc và phát hiện sớm bệnh...
Nội dung này vừa được đề cập tại Hội thảo Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, do Bộ Y tế và Bệnh viện K tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư ngày càng trở thành gánh nặng lớn của cộng đồng và đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, ở nước ta, hàng năm có khoảng 182.600 người mắc mới ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội và sự phát triển kinh tế.
Ông Thuấn thông tin, trong những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng đến năm 2023, trên toàn quốc đã có 11 bệnh viện chuyên ngành với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, 72 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu để khám, chữa bệnh cho người dân. Tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K và một số bệnh viện đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Một thuận lợi lớn nữa cho người bệnh ung thư là hầu hết các xét nghiệm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật đều được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hoặc một phần mặc dù chi phí hết sức tốn kém. Bên cạnh đó, ngành y tế đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ung thư, triển khai các biện pháp giúp người dân khám sàng lọc, phát hiện ung thư sớm tại cộng đồng...
PGS.TS Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ung thư đang là gánh nặng ở thời điểm hiện tại và tương lai. Hiện nay, đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn. Với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm.
Thế giới có thuốc mới điều trị ung thư như thế nào, người bệnh Việt Nam đều có, nhưng giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên. Hiện tại, Việt Nam chỉ tham gia thử nghiệm lâm sàng ở pha 2, pha 3, bao gồm 40 thử nghiệm. Thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm thử nghiệm lâm sàng pha 1 cho người bệnh không còn biện pháp nào điều trị. Bộ Y tế đã phê duyệt tiến hành thử nghiệm pha 1 nhưng bệnh viện sẽ chuẩn bị kỹ càng về lựa chọn bệnh nhân, đạo đức nghiên cứu cần làm chặt chẽ và cần sự đồng ý của bệnh nhân và người nhà vì rủi ro có thể xảy ra...
Tuy nhiên, GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho hay, với số lượng bệnh nhân ung thư Việt Nam ngày càng tăng lên như hiện nay, các trang thiết bị điều trị trong nước dù ngang tầm với các quốc gia trên thế giới nhưng vẫn còn hạn chế trong công tác phục vụ điều trị cho người bệnh. Hiện nay, Bệnh viện K mỗi năm phẫu thuật 26.000 trường hợp, điều trị, xạ trị 17.000 bệnh nhân, điều trị hóa chất 18.000 bệnh nhân. Bệnh viện chỉ có 6 máy xạ trị, do đó nhiều bệnh nhân phải xạ trị buổi tối mới đáp ứng đủ yêu cầu. Mỗi máy xạ trị của Bệnh viện hiện nay phải hoạt động 22- 23h/ngày. “Đây chính là vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay. Bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng” - GS Lê Văn Quảng nhấn mạnh.