Phòng tránh béo phì, có nên kiêng mỡ động vật?

P.Vân (tổng hợp) 26/01/2021 19:00

Bỏ mỡ heo hay dầu thực vật đều không tốt cho cơ thể. Nên dùng song song chúng để vừa tốt cho hoạt động các cơ quan cơ thể, vừa tránh được bệnh tật.

Theo Sức khỏe đời sống, TS.BS. Lê Thanh Hải cho biết, mỗi năm, cứ đến những ngày giáp Tết, trong tiết trời hanh hao, giá lạnh, lòng tôi lại bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm của một thời bao cấp xa xôi, thời bao cấp với món cơm nóng trộn tóp mỡ nước mắm ớt - món ăn gắn liền với ký ức một thời không thể nào quên của những ai đã trải qua những năm tháng gian khó ấy.

Món ăn xa xỉ thời bao cấp

Có thể kể ra rất nhiều món ăn được chế biến với tóp mỡ thời bao cấp như: dưa chua nấu cùng tóp mỡ, rau muống xào với tóp mỡ, tóp mỡ chiên nước mắm tỏi hành... Nhưng có lẽ, món ăn giàu ký ức nhất, đó là món cơm nóng trộn với tóp mỡ cùng nước mắm ớt thêm ít đường, nghĩ đến là chực chảy nước bọt, nhất là những ngày đông lạnh giá như thế này. Chén cơm nóng hổi trộn tóp mỡ nâu vàng, rưới thêm nước mắm ớt, trộn đều, ngửi lấy ngửi để, hít hà cái mùi thơm nóng bốc lên ngào ngạt từ chén cơm trộn là khoái khẩu lắm rồi. Đơn giản vậy thôi, nhưng ngon đến lạ lùng, đưa một muỗng cơm vào miệng, vừa nhai vừa cảm nhận được các vị quyện hòa vào nhau, vị béo và giòn giòn của tóp mỡ, vị mặn mặn, cay cay, ngọt ngọt của đường và nước mắm ớt mới tuyệt làm sao. Thiệt là hao cơm. Vào cái thời cơm ăn còn phải độn thêm sắn, khoai thì chén cơm trắng nóng hổi trộn tóp mỡ rưới mắm ớt, có thể nói là món ăn cực kỳ quý phái và xa xỉ, có thể đã đi vào giấc mơ của nhiều người ở cái thời gian khó xa xưa ấy!

Sự “thất sủng” trong xã hội hiện đại

Đời sống ngày càng được nâng cao, bữa ăn gia đình trở nên sung túc, đầy đủ, đa dạng món hơn nhưng kèm theo đó là sự xuất hiện của các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, béo phì, ung thư... Rồi thông tin từ phương tiện truyền thông, mạng xã hội cùng với sự giao lưu qua truyền miệng hàng ngày, không biết từ bao giờ, người ta bắt đầu đổ lỗi cho mỡ heo là nguyên nhân gây những bệnh nguy hiểm đó. Từ đó, mọi người đâm ra dị ứng và đỉnh điểm cao trào là “trở mặt” với món mỡ heo nói chung và tóp mỡ nói riêng. Mỡ heo không còn xuất hiện nhiều trong những bữa ăn hàng ngày nữa. Người ta bài xích món ăn có nhiều mỡ heo đến mức “hắt hủi”, cứ món nào có mỡ heo là kiểu gì cũng tìm cách bóc bằng được phần mỡ ra.

Tuy nhiên, thực tế, ăn mỡ heo và tóp mỡ có đến mức lo sợ như vậy không? Có thể trả lời ngay trên góc độ y học: Kiêng hoàn toàn mỡ heo là sai lầm. Cái gì cũng có hai mặt, mỡ heo hay tóp mỡ cũng có những lợi ích nhất định và không thể thiếu cho mỗi người, nhất là trẻ em và cũng có những tác hại khi sử dụng không đúng, đặc biệt là những người bị rối loạn mỡ máu.

Tiếp cận lợi ích của mỡ heo dưới góc độ khoa học

Mỡ heo cung cấp nhiều chất béo có lợi, mỡ heo chứa khoảng 40% chất béo bão hòa, khoảng 50 - 60% chất béo không bão hòa đơn và khoảng 10% chất béo không bão hòa đa, là thành phần quan trọng của nhiều chất cần thiết đối với hoạt động cơ thể trong quá trình tăng trưởng. Chất béo tham gia cấu tạo màng tế bào và thể dịch của các tổ chức, đặc biệt là não, giúp phát triển sớm về trí tuệ, thể lực và giữ vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương của trẻ.

Mỡ heo là thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Mỡ là chất béo làm dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K, là những vitamin quan trọng trong cơ thể. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này phải cần có chất béo. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan.

Mỡ heo chứa các loại như axit béo bão hòa, protein, đặc biệt là cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, rất tốt cho tế bào thần kinh. Việc sử dụng mỡ heo ở mức độ hợp lý có tác dụng làm bền vững các mạch máu, bảo vệ hệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng xuất huyết não. Mỡ heo giàu vitamin D giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi cho cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ heo có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và tăng cường chức năng cơ bắp.

Mỡ heo đã được chứng minh có tác dụng chống viêm và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Mỡ heo cũng tham gia số men chuyển hóa của cơ thể, trong đó có nội tiết tố sinh dục và nội tiết tố tuyến thượng thận.

Vấn đề lo ngại mỡ heo làm tăng cholesterol máu? Thực chất có 2 loại là cholesterol nội sinh và ngoại sinh. Cholesterol nội sinh nhiều và nguy hiểm hơn ngoại sinh. Điều đó có nghĩa dù không ăn mỡ heo, cơ thể vẫn sản sinh cholesterol.

Vậy ăn mỡ heo thế nào cho đúng?

Trẻ em hay người lớn nên sử dụng mỡ heo hoặc khi ăn thịt heo có chút mỡ để các chức năng của cơ thể không bị suy yếu. Chất béo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ: 1g chất đạm, tinh bột, đường cung cấp 4 kcal, trong khi 1g chất béo cung cấp 9 kcal. Vì vậy, trẻ bắt đầu ăn dặm cần phải bổ sung 5ml chất béo/ bữa, trẻ 1 tuổi lượng chất béo cần tăng khoảng 7ml/bữa. Nên lưu ý phải cho trẻ ăn kết hợp cả dầu và mỡ động vật. Nếu không cung cấp đủ lượng dầu mỡ theo khuyến cáo, trẻ sẽ bị thiếu năng lượng và rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương.

Nếu quá phụ thuộc dầu thực vật mà bỏ mỡ heo, mỡ động vật trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó hấp thụ một số chất, mất cân đối về dinh dưỡng, thiếu hụt một số vitamin cần thiết và có nguy cơ mắc các bệnh về xương, rối loạn thị lực, rối loạn nội tiết tố, gây suy nhược cơ thể, thậm chí tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bỏ mỡ heo hay dầu thực vật đều không tốt cho cơ thể. Nên dùng song song chúng để vừa tốt cho hoạt động các cơ quan cơ thể, vừa tránh được bệnh tật. Những người có độ tuổi trên 50, người đang bị rối loạn mỡ máu mới phải kiêng và nên ăn ít mỡ heo. Trẻ em và người bình thường nên ăn hàng ngày với lượng vừa đủ.

Phòng ngừa béo phì phải đặt lên hàng đầu

Theo xu hướng hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng tới năm 2030, gần một nửa người dân trưởng thành ở Mỹ sẽ mắc căn bệnh béo phì. Với lối sống hiện đại, thì không chỉ dân số Mỹ, mà dân số trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển cũng gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tỷ lệ béo phì trong dân số.

Các nhà khoa học cho rằng: Béo phì, đặc biệt là béo phì ở mức độ “trầm trọng” có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạn tính và gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người, vì thế phòng ngừa bệnh béo phì phải được đặt lên hàng đầu.

TS. Zachary chia sẻ về mục đích của nghiên cứu: Một trong những động lực chính của nghiên cứu là để cung cấp thêm thông tin cho các nhà hoạch định chính sách của các tiểu bang. Ví dụ, nghiên cứu trước đây của nhóm cho thấy rằng việc tăng thuế đối với đồ uống có đường có thể làm giảm mức tiêu thụ các loại đồ uống này, từ đó giúp kiềm chế sự gia tăng béo phì.

Nhà nghiên cứu Zachary J. Ward cho rằng: Thật khó để giảm cân và thật khó để điều trị béo phì. Vì vậy, phòng ngừa nó thực sự rất quan trọng và đây chính là chìa khóa để đẩy lùi bệnh béo phì đang tiến triển khủng khiếp như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng tránh béo phì, có nên kiêng mỡ động vật?