Phòng tránh sự nguy hiểm của bệnh than ra sao?

Hoàng Chiến 15/06/2023 09:00

Bệnh than là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có 3 đường nhiễm bệnh chính là qua da, qua đường tiêu hóa và qua đường hô hấp. Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp là thể nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, bệnh than đang diễn biến phức tạp, mạnh nhất 10 năm trở lại đây. Tính tới thời điểm hiệnh tại, đã có 14 người mắc bệnh than tại 2 tỉnh là Điện Biên (13 ca) và Hà Giang (1 ca), trong đó có hơn 100 trường hợp phơi nhiễm.

Một bệnh nhân mắc bệnh than tại Điện Biên. Ảnh CDC Điện Biên.

Nói về nguyên nhân, ông Long cho biết, công tác tiêm phòng vaccine cho loại bệnh này hiện nay chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, do giá trị kinh tế của trâu, bò khá lớn nên khi trâu bò chết, nhiều người dân tiếc rẻ, theo tập quán mang đi giết mổ phân phát thịt cho nhiều hộ dân trong địa bàn. Điều này tiềm ẩn nguy hiểm lây lan dịch bệnh.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã có có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Lào Cai về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh than (bệnh nhiệt thán).

Theo đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên và lây lan sang các tỉnh khác do buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia súc, thịt gia súc bị bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Theo Bộ Y tế, bệnh than còn gọi là bệnh nhiệt thán, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than.

Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương, thường xảy ra ở nơi có ổ dịch cũ. Những người mắc bệnh chủ yếu ở thể da, thường lành tính và rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người.

Có 3 con đường nhiễm bệnh chính là qua da, qua đường tiêu hóa và qua đường hô hấp với các triệu chứng khác nhau.

- Nhiễm qua da: Đây là thể bệnh có tỉ lệ phổ biến nhất và cũng ít nguy hiểm nhất. Khi bệnh nhân tiếp xúc mầm bệnh thông qua vết thương trên da hoặc sử dụng các sản phẩm động vật như lông, da sống, len,… Các vị trí lây nhiễm dễ gặp thông qua da chính là cổ, cẳng tay, bàn tay. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện vết rộp hoặc mụn nhỏ, không đau, hơi ngứa. Sau đó, tổn thương có thể lan rộng ra, xung quanh miệng vết thương sưng nhẹ và có màu hơi đỏ còn ở giữa có vảy màu đen...

- Nhiễm qua đường hô hấp: Khi người tiếp xúc mầm bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn có trong không khí. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là khó thở, sốt và ớn lạnh, khó chịu ở ngực, buồn nôn,...

- Nhiễm qua đường tiêu hóa: Ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.

Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh như: không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thưởng nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hết sức lưu ý về việc sử dụng vaccine chủng ngừa bệnh than không nên dùng cho các đối tượng: Người từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ sau một liều trước đó hoặc với thành phần vaccine; phụ nữ mang thai có nguy cơ phơi nhiễm bệnh than thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng tránh sự nguy hiểm của bệnh than ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO