‘Phụ huynh học sinh thiếu niềm tin chứ không thiếu tiền’

Tin ảnh: Duy Hưng 30/08/2017 21:45

Chiều nay (30/8), thông tin với báo chí tại hội nghị giao ban báo chí của tỉnh, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Nam Định đưa ra nhận định trên, khi đề cập đến vấn đề thu chi trong các trường học ở tỉnh dịp đầu năm học mới...

Ông Cao Xuân Hùng- Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nam Định.

Mở đầu, ông Cao Xuân Hùng đề nghị báo chí không nên dùng từ “lạm thu”, “Bởi từ này nó chứa đựng cái gì đó thể hiện sự gian dối, mưu mẹo, không có tính nhân văn. Có thể là nhà trường thu sai quy định, có thể là thu khi chưa được sự đồng thuận của phụ huynh. Thu thế nào ta cứ nói đúng như thế. Ta chống là chống việc thu sai quy định, thu các khoản thu phụ huynh chưa đồng thuận”, ông phân tích.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nam Định cũng nhìn nhận: “Toàn tỉnh có 400.000 học sinh, 800.000 vị phụ huynh thì việc có cả 1.000 phụ huynh chưa đồng thuận với các nhà thường về việc thu chi thì cũng là đúng quy luật thôi, không phải là cái gì quá ghê gớm!”.

Về các khoản thu, ông Cao Xuân Hùng cho biết các trường trong tỉnh đã và đang thực hiện thu các khoản gồm: thu học phí theo quy định và thu một số khoản hỗ trợ thêm theo sự cho phép của UBND tỉnh.

“Nhiều khi các bậc phụ huynh cũng chưa hiểu rõ về các khoản thu, chẳng hạn khoản thu bảo hiểm y tế là khoản thu bắt buộc. Rồi con em đi học thì phụ huynh phải mua sách, mua vở, thiết bị cá nhân cho các cháu. Mua cái ghế cho các cháu ngồi tập trung là của các cháu chứ, có phải nhà trường thu đâu. Còn đồng phục, nếu không mua thì vẫn phải ra chợ mua quần áo cho các cháu, có để các cháu cởi trần được đâu?”- ông Cao Xuân Hùng thanh minh.

Từ đó, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nam Định cho rằng phụ huynh phải phân biệt rõ cái gì là đóng góp theo quy định của nhà nước, cái gì là trách nhiệm phụ huynh phải mua, trang bị cho con mình khi đến trường.

Liên quan đến các khoản tiền nhà trường vận động phụ huynh hỗ trợ thêm, ông Cao Xuân Hùng cho rằng việc này pháp luật không cấm. “Trong điều kiện nhà nước chưa đáp ứng hết được nhu cầu của con em chúng ta; các cháu có nhu cầu thụ hưởng cao hơn khả năng bao cấp của nhà nước thì phụ huynh đóng góp thêm vào, đóng cho con mình hưởng thôi!”- ông nói.

Việc cứ vào đầu năm học, dư luận trong tỉnh lại xôn xao, nhiều phụ huynh bức xúc về các khoản thu được cho là vô lý, không phù hợp của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, ông Cao Xuân Hùng cho rằng: “Việc này chính là do hiệu trưởng các trường không làm tốt công tác quán triệt, phân định các khoản thu không rõ, cứ mập mờ; khi sử dụng thì không đúng theo các quy định”.

“Nhiều khi nhà trường sửa một cái bồn cây mà đi ký hợp đồng với một công ty xây dựng thì rất là tốn kém, vì phải chi phí cho việc thiết kế, bản vẽ rồi thuế má. Nên các hiệu trưởng cứ sử dụng tiền phụ huynh đóng góp như kiểu sử dụng tiền nhà. Làm xong việc thì lại không công khai, minh bạch dẫn đến việc phụ huynh không biết tiền của mình đóng cho con được dùng vào việc gì?”, ông nói thêm.

Ông Cao Xuân Hùng cho biết: “Tôi có nói với các vị hiệu trưởng là trừ những hộ khó khăn còn lại đa số người dân không tiếc tiền đóng góp để cho con mình thụ hưởng. Họ thiếu là thiếu niềm tin chứ không phải là thiếu tiền. Vậy thì phải làm cho các bậc phụ huynh tin mình. Muốn phụ huynh tin thì chúng ta phải làm rõ ràng, thu chi phải có kế hoạch, công khai, minh bạch, có giám sát, có mục đích sử dụng”.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nam Định, để tránh tiêu cực trong thu chi của các trường học, sẽ tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, khả năng tuyên truyền, vận động; tạo sự đồng thuận của hiệu trưởng các nhà trường; nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm của hiệu trưởng, của cán bộ giáo viên; thực hiện thu chi công khai, minh bạch, nâng cao tính dân chủ, tạo môi trường mở trong các nhà trường; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào các hoạt động của nhà trường...

Cùng với đó, theo vị Giám đốc, Sở sẽ đổi mới, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. “Cả phòng thanh tra của Sở chỉ có 5 cán bộ, không thể “ba đầu sáu tay” để kiểm tra hết 860 cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Vậy nên chúng tôi chủ trương thành lập các nhóm kiểm tra chéo. Việc kiểm tra tréo không nghiêm ngặt như kiểm tra của các cơ quan chức năng nhưng một người làm mà có người kiểm tra, giám sát thì chắc chắn trách nhiệm, và lòng tự trọng của người làm sẽ tăng lên rất nhiều”, ông cho biết.

Liên quan đến nội dung trên, tại buổi giao ban báo chí, các phóng viên tham dự phản ánh, đầu năm học này, qua nắm bắt dư luận, nhiều phụ huynh ở trong tỉnh thể hiện sự bức xúc, không đồng tình khi phải đóng góp quá nhiều loại quỹ, như quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, quỹ khuyến học; ngoài ra, còn phải ủng hộ nhà trường nhiều khoản khác, trong đó có khoản ủng hộ nhà trường xây dựng một số công trình nhưng trước đó phụ huynh không được bàn thảo, thống nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Phụ huynh học sinh thiếu niềm tin chứ không thiếu tiền’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO