Từ đầu năm 2018 đến nay, tôm hùm nuôi lồng tại các vùng nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã xảy ra bệnh sữa, chết rải rác. Ước tính tỷ lệ tôm hùm chết do bệnh sữa khoảng 10% so với tổng số tôm nuôi (cá biệt có một số ít lồng tôm hùm bông, tỷ lệ chết 20 – 30%).
Tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân nuôi tôm hùm theo quy hoạch của địa phương để tránh dịch bệnh.
Ngày 15/5, thông tin từ Chi cục chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên) cho biết: Hiện nay, tình hình bệnh sữa vẫn xảy ra rải rác nhưng mức độ bệnh có giảm hơn so với thời điểm vừa sau tết nguyên đán. Tôm bệnh với nhiều loại kích cỡ, từ cỡ tôm giống đến cỡ thương phẩm. Bệnh xảy ra trên tất cả các loài tôm hùm nuôi như: tôm hùm xanh, tôm hùm bông, tôm hùm sỏi… Tuy nhiên, tôm hùm bông nuôi tại khu vực này thường có tỷ lệ chết do bệnh sữa cao hơn so với tôm hùm xanh và tôm hùm khác.
Theo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên thì nguyên nhân gây phát sinh bệnh là do mật độ lồng nuôi còn dày; môi trường nuôi bị ô nhiễm do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép; Đây là thời điểm giao mùa, trong khoảng thời gian này, thời tiết thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, làm môi trường nuôi biến động, các thông số môi trường không nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi. Tổng hợp các nguyên do trên đã làm sức đề kháng tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho tác nhân (Rickettsia like bacteria) phát triển, dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho tôm.
Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên khuyến cáo, người dân nên định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới, cản trở lưu thông nước; Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có bệnh sang những vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan bệnh. Bên canh đó, người dân nên sử dung thức ăn cho tôm ăn phải tươi, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3 – 5 mg/l) trước khi cho tôm ăn. Quản lý cho ăn tránh dư thừa; Tăng cường bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Đặc biệt giai đoạn thời tiết chuyển mùa, biến động môi trường.
Ngoài ra, tùy vào điều kiện cụ thể, áp dụng theo phác đồ điều trị bệnh sữa cho tôm hùm của Bộ NN&PTNT hướng dẫn. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh ra khỏi hệ thống nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh. Nếu xảy ra vấn đề bất thường, dịch bệnh cần báo cáo sớm cho thú y cơ sở hoặc Trạm Chăn nuôi và thú y để được hướng dẫn các giải pháp xử lý kịp thời.