Phục hồi kinh tế, hướng tới xuất siêu

MINH HẢI (thực hiện) 19/12/2021 09:00

Sau thời gian mở cửa trở lại, ở lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận: Số doanh nghiệp mới và  hoạt động trở lại tăng nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, xuất khẩu đang tiến tới xuất siêu, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một số rào cản cần có những giải pháp gỡ khó để chúng ta có thể ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Xung quanh vấn đề này, trên cương vị là một chuyên gia kinh tế đầu ngành, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh có cuộc trò chuyện với chuyên đề Tinh Hoa Việt.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV:Thưa ông, trước hết, năm 2021 là thời điểm cực kỳ khó khăn của kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc bùng phát đại dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta đã làm cho đại dịch covid-19 trở thành vấn nạn trầm trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ sau khi Chính phủ kiên quyết kiểm soát đại dịch và mở cửa trở lại, ông có nhận định như thế nào về sự phục hồi của của nền kinh tế?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu như 6 tháng đầu năm chúng ta vẫn giữ mức độ tăng trưởng có thể chấp nhận được, thì sang đến quý III/2021, với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, GDP đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Sau đó, Chính phủ quyết tâm khống chế đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế, đến nay kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng tương đối chậm.

Tuy vậy, chúng ta cũng thấy với việc hồi phục của nền kinh tế trong tháng 10, 11 vừa qua đã có tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng kinh tế của năm 2021, cũng như làm tiền đề cho năm 2022. Trước hết là chỉ số sản xuất công nghiệp. Nếu tính trong tháng 11 đã tăng lên 5,5% và đặc biệt so cả 11 tháng của năm 2021 vẫn tăng hơn năm 2020 là khoảng 3,6%.Tất nhiên là so với mức bình thường hàng năm thì mức độ tăng này là tương đối thấp.

Về những điểm sáng, chúng ta cũng thấy số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới cũng tăng lên tương đối nhanh. Trong tháng 10, số DN mới đã tăng lên với mức khoảng 120%. Đến tháng 11, số DN tiếp tục tăng 44% so với tháng 10. Như vậy, tốc độ tăng tương đối cao. Số DN quay trở lại sản xuất tăng 15% so với tháng 10, nhưng cũng tương đối thấp so với mức tăng chung. Nếu tính như vậy thì chúng ta thấy rằng 11 tháng của năm 2021 cả nước có tới 105.000 DN thành lập mới. Và có khoảng hơn 40.000 DN quay trở lại hoạt động. Như vậy là có khoảng trên 146.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số này tương đối cao so với thời gian trước. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư trong nước cũng tin tưởng rằng việc mở cửa và hồi phục nền kinh tế trong thời gian tới là tương đối tốt. Các DN sẵn sàng quay trở lại hoạt động cũng như đầu tư mới.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng cũng tăng lên đáng kể, đạt khoảng 26,5 tỷ USD. Như vậy, đó cũng một trong những điểm sáng của năm 2021. Vì rõ ràng với mức tăng năm trước là không đáng kể (khoảng 0,1%). Nhưng trong điều kiện vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới sụt giảm, chúng ta vẫn giữ được mức thu hút như năm 2020, 2021 là điều thế giới cũng thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Việt Nam, trong điều kiện đầu tư FDI của quốc tế đang giảm đáng kể.

Nếu nói về đầu tư trong nước, có thể thấy vốn đầu tư trong nước đã tăng lên so với tháng 10/2021. Nhìn chung vốn đầu tư thực hiện đều có sự cố gắng tăng lên so với năm 2020. Tất nhiên vốn đầu tư của nguồn ngân sách nhà nước trong năm nay hơi chậm, nhưng trong điều kiện khó khăn dịch bệnh và sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh thì vẫn có thể chấp nhận được.

Về xuất nhập khẩu, từ một nước nhập siêu, chúng ta đang tiến tới xuất siêu, ông nhìn nhận về sự thay đổi này ra sao?

- Theo tôi, điểm sáng nhất của năm nay chính là kim ngạch xuất khẩu- nhập khẩu. Trong năm 2021, với 11 tháng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt tới 600 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng cũng tương đối mạnh, đạt con số 299,67 tỷ USD, tăng gần 18%. Đó là điểm rất sáng. Đặc biệt chúng ta thấy rằng trong tháng 9, tháng 10, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đã lớn hơn kim ngạch nhập khẩu. Điều đó làm cho cán cân xuất nhập khẩu nghiêng về xuất siêu, mặc dù lượng xuất siêu không nhiều, nhưng rõ ràng đã có những chuyển biến rất tốt, vì từ chỗ chúng ta đang nhập siêu thì giờ chúng ta đang tiến tới xuất siêu. Cụ thể, tháng 11 tiếp tục xuất siêu 100 triệu USD, giúp cán cân thương mại của Việt Nam xoay chiều, xuất siêu trở lại sau 11 tháng.Theo Bộ Công Thương, tháng 11 là tháng thứ hai liên tiếp cán cân thương mại không bị thâm hụt, ghi nhận xuất siêu 100 triệu USD. Như vậy, tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD. Hy vọng là tháng 12, chúng ta tiếp tục xuất siêu với mức cao hơn.

Được biết, trong 11 tháng vừa qua, tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la Mỹ tăng gần 2%. Điều đó cho thấy đồng tiền của Việt Nam tương đối ổn định. Và Việt Nam đồng cũng được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những đồng tiền đang giữ vững giá trị tốt nhất trong các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như khu vực châu Á. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Vâng, một điểm có thể coi là sáng còn là việc chúng ta giữ vững cân đối vĩ mô. Thâm hụt ngân sách nhà nước vẫn nằm trong giới hạn 4%, chỉ số lạm phát chỉ ở mức 1,84%, đó là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Như vậy tháng 12 này nếu có chiều hướng tăng giá hay lạm phát một chút thì chắc CPI của chúng ta cũng chỉ năm trong mức 2%. Đặc biệt trong đó, chỉ số của đồng tiền Việt Nam đã có tăng giá so với đồng đô la Mỹ. Trong 11 tháng vừa qua tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la Mỹ tăng gần 2%. Điều đó cho thấy đồng tiền của chúng ta tương đối ổn định. Và cũng là một trong những đồng tiền đang giữ vững giá trị tốt nhất trong các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như khu vực châu Á. Đó là điều tốt vì nó củng cố vị trí của Việt Nam đồng, và theo đúng quan điểm của chúng ta là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng và phát triển.

Thực ra, tôi cho rằng đây là điều rất tốt. Nhiều nhà kinh tế nêu đề xuất phải phá giá đồng tiền hay đẩy lượng tiền lớn ra lưu thông là cực kỳ nguy hiểm. Nó làm cho lạm phát tăng và vòng xoáy lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tiền lương… sẽ loạn. Như vậy các DN khó lòng ổn định và phát triển sản xuất. Cho nên chúng ta phải kiên trì, đó là điều mà tôi tâm đắc từ nhiều năm nay, là phải ổn định đồng tiền thì người dân mới tin tưởng vào đồng tiền. Lúc đó mới không có chuyện ngoại tệ hóa, vàng hóa được. Chứ nếu đồng tiền cứ mất giá liên tục thì người ta phải tìm mua ngoại tệ, hay vàng.

Thời gian qua giá vàng trong nước cũng chao đảo theo giá vàng thế giới. Theo ông giá vàng trong nước tăng mạnh ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế?

- Theo tôi, giá vàng chao đảo cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế. Vàng hiện nay đối với Việt Nam không quan trọng nữa, vậy nên giá vàng lên xuống nhưng người ta mua bán vàng không nhiều như trước. Thứ hai nếu nói người dân lo ngại lạm phát chuyển sang kênh mua vàng, bất động sản thì đúng là có người chuyển tiền sang bất động sản hay các kênh khác để giữ giá trị đồng tiền. Nhưng số lượng đó không lớn.

Nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng ta có thể thấy tỷ lệ vốn huy động vào ngân hàng có giảm đi so với trước vì lãi suất tiền gửi thấp xuống. Đồng thời có khả năng lạm phát, đặc biệt một số nơi cảnh báo lạm phát. Tuy vậy, thực tế đồng tiền Việt tương đối ổn so với đồng đô la Mỹ nói riêng cũng như so với các đồng tiền khác. Nếu xét về phương diện nào đó, chúng ta thấy ổn định tiền tệ là cực kỳ quan trọng. Vậy nên thực tế việc ổn định tiền tệ và việc chúng ta tăng dự trữ ngoại tệ để có khả năng phòng chống cú sốc kinh tế - tài chính là cực kỳ quan trọng. Hiện lượng dự trữ của chúng ta tăng rất mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tới những mốc cao mới trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau dịch bệnh.

Ông vừa nhận định về những điểm sáng, cùng với đó là một số góc khuất của nền kinh tế sau đại dịch là gì?

- Những điểm không tích cực, tôi cho rằng, đầu tiên phải nói tới việc phòng chống đại dịch Covid-19 của chúng ta ở một số tỉnh, thành khá thụ động. Vì thế đã để bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 này một cách khó kiểm soát, gây nên thiệt hại lớn về nhân mạng cũng như về kinh tế. Rõ ràng với việc các địa phương tự ngăn cách, tự tách rời, mỗi địa phương một cách phòng chống dịch đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, rất nhiều DN phải ngừng nghỉ, rất nhiều hợp đồng không thực hiện được kéo theo nền kinh tế sụt giảm một cách ghê gớm. GDP quý III/2021 giảm 6,17% là mức giảm sâu nhất từ trước tới nay.

Chúng ta sau khi kiên quyết giãn cánh nghiêm túc để phòng chống dịch đã kiềm chế được dịch bệnh. Nhưng việc mở cửa trở lại còn nhiều vấn đề khi mỗi địa phương đòi hỏi một giấy tờ, từ đó gây gián đoạn cho các khâu sản xuất kinh doanh cũng như khâu vận tải, logistic.

Việc hỗ trợ cho các DN cũng như cho người dân cũng được Chính phủ quan tâm ngay từ đầu. Khi bắt đầu bùng phát dịch từ đầu năm 2020 chúng ta đã có những gói hỗ trợ. Nhưng thực tế tất cả các gói hỗ trợ của chúng ta triển khai chậm, còn chưa đến được một cách đầy đủ tới các đối tượng?

Các gói hỗ trợ của chúng ta giải ngân chưa hết, chưa có gói hỗ trợ nào giải ngân đạt 80%. Mặc dù chúng ta có cơ chế chính sách, mặc dù chúng ta có những gói hỗ trợ rất nhanh, rất kịp thời nhưng việc thực thi ở các địa phương vẫn có những ách tắc và mang tính hành chính. Việc quản lý kinh tế ở địa phương cũng mang tính hành chính và cục bộ cho nên đã gây khó khăn trong sự lưu thông của lực lượng lao động, cũng như của hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu lẫn hàng hóa xuất nhập khẩu. Vì vậy chi phí logistic, chi phí vận chuyển tăng lên. Từ đó làm cho việc hồi phục kinh tế của chúng ta chưa như mong muốn.

- Các gói hỗ trợ của chúng ta giải ngân chưa hết, chưa có gói hỗ trợ nào giải ngân đạt 80%. Mặc dù chúng ta có cơ chế chính sách, mặc dù chúng ta có những gói hỗ trợ rất nhanh, rất kịp thời, nhưng việc thực thi ở các địa phương vẫn có những ách tắc và mang tính hành chính. Việc quản lý kinh tế ở địa phương cũng mang tính hành chính và cục bộ cho nên đã gây khó khăn trong sự lưu thông của lực lượng lao động, cũng như của hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu lẫn hàng hoá xuất nhập khẩu. Vì vậy chi phí logistic, chi phí vận chuyển tăng lên. Từ đó làm cho việc hồi phục kinh tế của chúng ta chưa như mong muốn.

Chính sách phòng chống dịch của mỗi địa phương mỗi khác cũng gây nên những tác động không tốt tới hoạt động sản xuất, cũng như xuất nhập khẩu?

- Đúng vậy khi nơi yêu cầu hoạt động 3 tại chỗ, nơi yêu cầu 2 điểm đến một cung đường,… nhưng nếu có 1 ca F0 cả nhà máy nghỉ thì DN khó tồn tại. Dù việc tiêm vaccine đã được phổ rộng nhưng sản xuất vẫn hạn chế do mỗi địa phương một cách gây khó cho DN. Đồng thời nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Như giá xăng dầu, xi măng, sắt thép đều tăng… dứt khoát đầu ra sẽ tăng. Và giá cả hàng hóa tăng dẫn tới tiêu thụ sẽ chậm. Chúng ta cũng nhìn thấy sự tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa cũng như doanh thu dịch vụ rất chậm.

Với vòng luân chuyển tiền tệ chậm hiện nay (khoảng 0,8%) cho thấy mức lạm phát thấp là hợp lý. Rõ ràng vòng luân chuyển lớn, độ lạm phát sẽ khuyếch tán. Điều đó cho thấy chỉ số lạm phát thấp là mừng, nhưng cũng đáng lo vì hàng hóa sản xuất ra mà không bán được thì DN cũng rất khó khăn.

Với các nước như Mỹ, họ đẩy lượng tiền lớn ra thị trường nên lạm phát rất cao (11 tháng qua lạm phát ở mức 6%) so với cùng kỳ năm trước. Ở Việt Nam, các gói hỗ trợ của mình tung ra, Quốc hội cho biết là khoảng 4% GDP. Trong đó gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa chiếm 13%. Còn thông qua chính sách tiền tệ khoảng 27%. Thông qua chính sách tiền tệ 27% là con số bình thường. Vậy nên lạm phát ở tầm vĩ mô vẫn ổn.

Nhưng thực có điều rất đáng lo ngại và cần xem xét là khả năng hấp thụ vốn hiện nay của thị trường rất thấp. Ở đó các gói hỗ trợ chưa có gói nào giải ngân tới 80%, nhiều gói hỗ trợ chúng ta không tiêu được.

Vậy theo ông, giải pháp trong năm 2022 là những gì để khơi thông dòng chảy của nền kinh tế?

- Việc đầu tiên chúng ta phải tổ chức sống chung với đại dịch Covid-19 một cách tốt nhất, đây là yếu tố quan trọng và phải có sự thống nhất cao độ giữa Trung ương với tỉnh thành các địa phương để cùng “sống chung với lũ”. Chứ không chỉ vì 1 F0 mà bắt buộc một DN ngưng hoạt động.

Thứ hai là việc phải giữ vững ổn định cân đối vĩ mô. Hơn 40 năm theo dõi về kinh tế, theo tôi nếu kinh tế vĩ mô không ổn định, mất thăng bằng thì lúc đó lập tức lạm phát tăng cao, lập tức lãi suất tăng cao và các cân đối sẽ rối. Vì DN không chạy kịp với lạm phát, với lãi suất.

Chúng ta cũng rất mừng Chính phủ và Quốc hội đã thông qua ngân sách nhà nước năm 2022, theo đó các cân đối vĩ mô vẫn ổn định. Đó là thâm hụt ngân sách không quá 4%, lạm phát không quá 4%. Các khoản vay nợ công vẫn ở mức 43-44%. Đó là những con số rất quan trọng. Và nếu chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì khả năng chúng ta có thể có được ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 là rất sáng.

Nếu chúng ta tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN và hỗ trợ DN hồi phục và phát triển tốt thì chúng ta cũng tin rằng nền kinh tế năm 2022 sẽ có những bước tăng trưởng tốt để có thể đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, với đà như thế này, chúng ta cần đẩy mạnh số hóa và cải cách thủ tục, giảm thiểu chi phí cho DN thì năm 2022 chúng ta có thể tăng trưởng ở mức từ 7-7,5%.

Tết Nguyên đán sắp tới sẽ là một cái Tết đặc biệt so với các năm trước, đó là chúng ta vừa trải qua một năm mất mát về người và khó khăn về kinh tế. Bởi thế với việc tăng giá cả hàng hóa vào dịp này rõ ràng là nhiều người dân đang lo lắng?

- Cũng phải nói một điều thế này, ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và hàng Tết tương đối đầy đủ và giá cả cũng hợp lý.

Hàng hóa đang tăng và phải tăng là đương nhiên, bởi vì giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng ngừa chữa bệnh cho giá súc tăng, cho đến chi phí vận chuyển logistic cũng tăng thì không có lý gì hàng không tăng giá. Chỉ có điều mức tăng có phù hợp không. Như tôi vừa nhấn mạnh là mức giá phù hợp. Chúng ta phải chấp nhận những thứ thức ăn chăn nuôi gia súc chúng ta nhập, trong khi Việt Nam có cả một nguồn nguyên liệu cực kỳ dồi dào. Tuy vậy, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, thủy hải sản…ngành sản xuất cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, cây trồng trong nước còn nhiều hạn chế, nên vẫn phụ thuộc vào nhà đầu tư FDI, đó là điều đáng tiếc.

Trở lại với vấn đề làm thế nào để có một giá cả phù hợp cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Vấn đề quan trọng giá xăng tăng, nguyên vật liệu tăng chúng ta phải chấp nhận vì ta sống cùng cộng đồng quốc tế. Chỉ có điều hàng hóa tăng theo giá xăng, hay giá vàng… việc tăng đó có đúng hay không? Trước hết là cần quản lý những hàng hóa mang tính thiết yếu của xã hội. Nhà quản lý không thể để cho hàng hóa tự do trôi nổi được. Như với mặt hàng bình ổn giá cần được kiểm soát rất chặt.

Thứ hai với những mặt hàng nhà nước không kiểm soát giá thì cũng phải quản lý, để giá cả tăng thì làm sao tăng cho phù hợp. Bởi xăng tăng từ 30-40%, giá hàng cũng tăng bằng như vậy là không được. Giá xăng tăng tác động đến sản xuất kinh doanh khác nhau, giá hàng khác nhau. Nhưng bình quân cho nền kinh tế thì giá xăng chỉ tác động khoảng 3,4 %. Tôi muốn nói giá cả phù hợp là như vậy. Rõ ràng là phải có kiểm tra giám sát để chủ động đảm bảo các nguồn lực. Trong dịp Tết Hà Nội, TPHCM đã được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Sở Công thương đã yêu cầu các đơn vị tích trữ hàng hóa đảm bảo cung cấp dịp Tết là tương đối ổn.

Việc đẩy mạnh tiêu dùng trong dịp Tết cũng là việc rất quan trọng. Đây cũng là thời điểm DN tổ chức sản xuất ở mức tối đa, từ Giáng sinh, Tết Dương lịch chúng ta xuất khẩu ra thế giới. Cho tới Tết Nguyên đán sắp đến. Rõ ràng với chính sách hỗ trợ và khuyến khích của nhà nước, chúng ta cũng hy vọng rằng giá cả tương đối ổn định và đảm bảo nhu cầu chi tiêu của người dân trong dịp Tết một cách tốt nhất. Đồng thời thúc đẩy được hoạt động tiêu dùng cũng như cầu tiêu dùng, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh có bước tăng trưởng mới trong năm 2022.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nói về những điểm sáng, chúng ta cũng thấy số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới cũng tăng lên tương đối nhanh. Trong tháng 10, số DN mới đã tăng lên với mức khoảng 120%. Đến tháng 11, số DN tiếp tục tăng 44% so với tháng 10. Như vậy tốc độ tăng tương đối cao. Số DN nghiệp quay trở lại sản xuất tăng 15% so với tháng 10, nhưng cũng tương đối thấp so với mức tăng chung. Nếu tính như vậy thì chúng ta thấy rằng 11 tháng của năm 2021 cả nước có tới 105.000 DN thành lập mới. Và có khoảng hơn 40.000 DN quay trở lại hoạt động. Như vậy là có khoảng trên 146.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số này tương đối cao so với thời gian trước. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư trong nước cũng tin tưởng rằng việc mở cửa và hồi phục nền kinh tế trong thời gian tới là tương đối tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi kinh tế, hướng tới xuất siêu