Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động làm việc so với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh Xã hội Lê Văn Thanh, khi Tết Nguyên đán đến gần, cần nhiều lao động thì rất có thể sẽ thiếu hụt.
Đó là vấn đề trọng tâm được Bộ Lao động-thương binh và Xã hội đưa ra tại dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong tổng thể đề án chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của chính phủ.
Phát biểu tại tọa đàm “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp (DN), 50-60% lượng lao động làm việc so với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, theo ông Thanh, khi Tết Nguyên đán đến gần, cần nhiều lao động thì rất có thể sẽ thiếu hụt.
Thực tế tại Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, hiện các DN trên địa bàn đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, song khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu này. “Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc vì tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn” - bà Hiền nói.
Trở lại với ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh tại tọa đàm về thị trường lao động, ông Thanh cho rằng dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, tuy nhiên khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các DN sắp xếp, cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. “Để tận dụng được các cơ hội trên, trước hết phải triển khai có hiệu quả các giải pháp” - ông Thanh nhấn mạnh.
Ở góc độ DN, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết lúc nào kết thúc nhưng rõ ràng bài học về việc có một hệ thống an sinh của đất nước, cộng với hệ thống chính sách mang tính nội tại của DN thật hoàn chỉnh, sẽ là điều kiện cơ bản để thị trường lao động, lực lượng lao động của ta phát triển bền vững hơn trong lâu dài.
Đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động trong thời gian tới, TS Ngô Quỳnh An - Phó trưởng Khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cần tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ DN có thông tin về danh tính người lao động trong quá trình tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình quản lý người lao động chứ không để DN tự làm việc đó. “Trong tiến trình này, tôi nghĩ rằng việc số hóa thị trường lao động là then chốt và phải đẩy nhanh tiến trình này, thậm chí đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra từ đầu. Trong trường hợp DN dừng sản xuất mà không có khả năng hỗ trợ tiền lương cho người lao động khó khăn, thì chúng ta phải có quỹ hỗ trợ DN” - TS An đề xuất.
Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất được người lao động quan tâm, nhất là việc làm, cuộc sống của họ có tốt hơn không. An sinh xã hội phải gắn với tiền lương. Tiền lương phải đủ kích thích để thu hút người lao động gắn bó với DN, tiền lương phải bảo đảm người lao động có tích lũy. Nhà ở cũng rất quan trọng và cần được xem xét thấu đáo. Hiện nay, đang có đề xuất gói hỗ trợ nhà ở 65 nghìn tỷ đồng thì nên làm ký túc xá cho công nhân thuê trọ với giá hỗ trợ của DN. Một vấn đề nữa, theo ông Tiến là đào tạo lại cho người lao động để họ có khả năng thích ứng trước các cú sốc, có thể chủ động để tự lo cho mình, có thể vượt qua được khó khăn bất ngờ xảy đến.