Phục hồi và tăng trưởng

Tâm Như 05/10/2021 02:20

Dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái. Tại Việt Nam, dịch bệnh mặc dù đã từng bước được khống chế, các chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy…

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay. Mức giảm này cho thấy tác động nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lớn hơn mọi dự đoán của giới nghiên cứu kinh tế trước đó. Theo như phản ánh của cộng đồng DN, hiệp hội, các khu công nghiệp, nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động…

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Bộ KH&ĐT đã trình 2 phương án thực hiện GDP cả năm 2021 đạt ở mức 3 - 3,5%. Theo đó, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV/2021 cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Còn với mục tiêu 3,5% thì quý IV/2021 cần tăng trưởng 8,84% trở lên. Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điều quan trọng lúc này là DN phải được “phá băng” để hoạt động, còn người lao động phải được dịch chuyển. Bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tức thời. Tiếp đó, hàng hoá phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hoá đầu vào và đầu ra.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì khả năng phát triển kinh tế quý IV/2021 sẽ phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn với dịch Covid-19 của Chính phủ. Có thể thấy, thời gian vừa qua, chúng ta đã ưu tiên số một cho phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cho nên phải hy sinh một phần kinh tế. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch, song giới chuyên gia cho rằng, khó khăn chỉ là tạm thời và tin rằng, khi nền kinh tế mở của trở lại, với quan điểm chống dịch đúng đắn của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, tình hình sẽ sớm cải thiện.

Đến nay, tình hình phòng chống dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm, đặc biệt số người tử vong giảm mạnh, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát ở phần lớn các địa phương, tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh… Hà Nội, TPHCM và các địa phương trọng điểm khu vực phía Nam đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình.

Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quý III, tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra…

Vì thế, nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa phát triển sản suất, kinh doanh và an toàn dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Có thể thấy, đây là những quyết sách và nền tảng quan trọng để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi và tăng trưởng