Thiết thực trợ lực cho doanh nghiệp

Lê Bảo 04/10/2021 09:00

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời gian qua các chính sách đã được ban hành kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn. Do đó, quan trọng hiện nay là cần sớm tháo gỡ những “nút thắt”.

Nhiều chính sách thiết thực

Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp, biện pháp để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động.

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 và Quyết định 28 về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền là 38 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ về kết quả triển khai các chính sách, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, với Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), tính đến 1/10, chúng ta đã hỗ trợ 15,3 nghìn tỷ đồng với tổng số 18,32 triệu đối tượng. Về tiền mặt, tổng số kinh phí đã hỗ trợ là 10.000 tỷ đồng, chính sách cho vay vốn đã hỗ trợ 461,1 tỷ đồng. Về gạo, đã xuất tổng cộng 156.349 tấn gạo hỗ trợ cho 2,401 triệu hộ thuộc 30 tỉnh. Đối với người có bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người lao động, người sử dụng lao động được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với tổng số tiền là 3.000 tỷ đồng…

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngay trong ngày đầu thực hiện Quyết định 28 của Thủ tướng về hỗ trợ từ Quỹ BHTN, các cơ quan Bảo hiểm xã hội trên cả nước đã chuyển hơn 10,3 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN tới 3.570 người lao động. Cơ quan BHXH cũng rà soát và thông báo giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% trong 12 tháng tới 137.826 đơn vị sử dụng lao động, tổng số tiền đã giảm gần 3.470 tỷ đồng.

“Phấn đấu đến ngày 5/10, hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động. Trong tháng 10/2021, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động”- ông Mạnh cho biết.

Cùng với chính sách trên, trong năm 2021 Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ các DN như: giảm khoảng 30 loại phí, lệ phí cho DN và người dân, duy trì giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu (nông sản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, xe máy...). Trong đó Nghị định 52/2021/NQ-CP tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… và tiền thuê đất, triển khai từ tháng 4 đến nay, ước tính đã thực hiện tới thời điểm 30/9/2021 khoảng 78.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Với gói hỗ trợ mới này, tổng số tiền được miễn giảm ước lên đến 21,3 nghìn tỷ đồng, dự kiến tập trung vào 4 nhóm chính sách như sau: giảm 30% thuế giá trị gia tăng hỗ trợ sản phẩm hàng hóa mang tính thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; miễn toàn bộ các loại thuế đối với hộ kinh doanh trong quý III và quý IV/2021; giảm 30% tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập DN phát sinh phải nộp của năm 2021 cho tất cả các tổ chức DN.

Tránh đi đường vòng

Đánh giá về những chính sách “trợ lực” cho DN trong thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách của Chính phủ nhanh và rất kịp thời. Các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đã có tác dụng góp phần giảm bớt khó khăn cho DN. Hiện các DN đang rất kỳ vọng, gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng giảm thuế trực tiếp sẽ nhanh được triển khai…

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, các gói hỗ trợ so với mức độ khó khăn mà DN phải gánh chịu và qui mô nền kinh tế thì vẫn chưa như kỳ vọng. Chính sách hỗ trợ mới chủ yếu ở mức độ giãn, giảm (giảm thu), DN vẫn phải nộp các khoản này, chưa thực hiện ở cấp độ tăng chi để hỗ trợ. “Những chính sách về thuế và tín dụng đã giúp DN giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, các nhóm giải pháp có thể tự thực hiện, áp dụng đồng loạt và không thông qua thực thi của bộ máy các cấp sẽ đến với DN nhanh hơn. Do đó, các giải pháp hỗ trợ DN cần được thiết kế đơn giản, kịp thời sửa đổi những điểm bất hợp lý. Ngoài ra, cần có một kênh đánh giá hiệu quả thực thi chính sách” – ông Tuấn đề xuất.

Tại Diễn đàn chính sách trực tuyến Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguồn lực Nhà nước có hạn, trong khi đó dịch còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần được thực thi có hiệu quả, tránh đi đường vòng.

“Khi xây dựng chính sách, phần tham vấn DN cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi. Ngoài ra, hoạt động đối thoại công - tư cần được đẩy mạnh, cơ quan xây dựng chính sách cần chủ động đối thoại với DN hơn nữa”. Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiết thực trợ lực cho doanh nghiệp