Trên cơ sở định hướng xây dựng KHKT năm 2024, khuyến khích các đơn vị chủ động, sáng tạo trên cơ sở nguồn lực sẵn có để đề xuất kiểm toán các vấn đề “nóng".
Không tăng số cuộc, bám sát chương trình nghị sự của Quốc hội
Theo định hướng xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024, KTNN sẽ không tăng số lượng, cơ cấu nhiệm vụ kiểm toán so với KHKT năm 2023, trong đó ưu tiên nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành đảm bảo chất lượng. Nếu còn nguồn lực, các đơn vị có thể lựa chọn các chủ đề, chuyên đề liên quan đến các vấn đề “nóng”, bức xúc tại địa phương để kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Theo đó, KTNN tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN; đánh giá việc lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, đặc biệt là các vấn đề nêu tại Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025…
Thông tin cụ thể về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đơn vị tiếp tục rà soát nhiệm vụ kiểm toán đã đăng ký, dự kiến phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo nguyên tắc: Mỗi KTNN khu vực tổ chức không quá 2 đợt kiểm toán/địa phương. Trong trường hợp cần thiết, tại mỗi địa phương chỉ thực hiện thêm 1 đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành.
"Trên cơ sở định hướng xây dựng KHKT năm 2024, khuyến khích các đơn vị chủ động, sáng tạo trên cơ sở nguồn lực sẵn có để đề xuất kiểm toán các vấn đề “nóng”, vấn đề bức xúc trên địa bàn phụ trách (tập trung vào các thành phố lớn, với các vấn đề như: Hạ tầng ngầm, phương tiện giao thông đô thị, quản lý sử dụng đất, tài sản nhà nước…) với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của KTNN.
Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn"
“Trên cơ sở đánh giá rủi ro, trọng yếu về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách tại từng Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để xác định rõ dự kiến mục tiêu, nội dung kiểm toán trọng yếu làm cơ sở lựa chọn danh mục đầu mối kiểm toán chi tiết phù hợp, tránh dàn trải” - ông Tuấn cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, những đổi mới trong cách thức tiếp cận, lựa chọn nội dung, lĩnh vực kiểm toán đã thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của KTNN, đáp ứng ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Điều này được thể hiện rõ trên một số khía cạnh như: Các nội dung kiểm toán được dựa trên định hướng bám sát, phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội; phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN. Đặc biệt, KTNN tiếp tục đi sâu vào các chủ đề, chuyên đề liên quan đến các vấn đề “nóng”, bức xúc tại địa phương để kiểm toán, qua đó đó ngăn chặn nguy cơ thất thoát, lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề lớn đang được Đảng, các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng hiện nay.
“Điều quan trọng lúc này là các đơn vị kiểm toán phải quán triệt thực hiện nghiêm yêu cầu, từ đó đảm bảo các thông tin, dữ liệu đầy đủ để hướng tới thực hiện kiểm toán đạt kết quả cao nhất, đáp ứng mong đợi của công chúng” - ông Phong nhấn mạnh.
Rà soát nhiệm vụ kiểm toán, đảm bảo đầy đủ thông tin kiểm toán
Qua thực tiễn triển khai, cũng như có đánh giá cho thấy, KHKT năm 2023 đang được các đơn vị kiểm toán triển khai có hiệu quả. Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 8 toàn Ngành, các ý kiến cùng cho rằng, chính sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng ngay từ sớm, đặc biệt là trong xây dựng KHKT đã góp phần quan trọng mang lại kết quả tích cực trong hoạt động kiểm toán của Ngành những tháng đầu năm. “Đây là những kết quả quan trọng để KTNN rút ra bài học kinh nghiệm và làm tốt công tác xây dựng KHKT năm 2024” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn cho biết.
Hiện, các vụ chức năng cùng các đơn vị kiểm toán đang rà soát, đánh giá kết quả triển khai xây dựng KHKT, đặc biệt là công tác khảo sát, thu thập thông tin về các đầu mối, đơn vị, dự án. Trên cơ sở nhận diện những hạn chế trong triển khai thực hiện kiểm toán vừa qua, các đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo xây dựng KHKT theo đúng định hướng, sát thực tế và có tính dự báo cao. “Việc xây dựng KHKT phải tuân thủ hệ thống chuẩn mực KTNN, quy trình, quy định về mẫu biểu hồ sơ kiểm toán phù hợp với từng lĩnh vực kiểm toán và các quy định khác có liên quan” - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết lưu ý.
Trong đó, đối với việc khảo sát, thu thập thông tin phục vụ lập KHKT phải bám sát hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm của KTNN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khảo sát, thu thập thông tin và giảm thời gian khảo sát trực tiếp tại đơn vị. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin, cần phân tích kỹ nhằm đánh giá đúng các rủi ro kiểm toán, trọng tâm kiểm toán; giảm việc trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán.
Từ góc độ đơn vị kiểm toán, các ý kiến cũng cho biết, song song với thực hiện nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, đơn vị đang tiếp tục rà soát các nhiệm vụ kiểm toán đã đăng ký, cũng như đảm bảo việc thu thập thông tin, lựa chọn đầu mối kiểm toán để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng tốt nhất cho các nhiệm vụ kiểm toán, trước khi triển khai trên thực tế.
Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn, thời gian tới, các đơn vị sẽ tiến hành sơ kết việc tổ chức KHKT năm 2023, qua đó làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân để tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước phương án, cách thức tổ chức kiểm toán năm 2024 đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.