Nhằm giúp người bệnh tự tin chiến đấu với bệnh ung thư và giúp bạn đọc có một góc nhìn khoa học, lạc quan về căn bệnh này, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề ""Biệt dược" chữa ung thư" trên báo điện tử Đại Đoàn Kết.
Đúng 9h30 sáng ngày 19/3, buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: ""Biệt dược" chữa ung thư" được bắt đầu với sự chủ trì của nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Đại Đoàn Kết và sự tham gia của các khách mời: Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên - “Hoa khôi truyền cảm hứng” đã chiến thắng bệnh ung thư; ThS. Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; Chị Nguyễn Thu Hương – chuyên gia tâm lý, người sáng lập Trung tâm Thiền đương đại và ứng dụng Thiền đương đại – một trong những ứng dụng đầu tiên về Thiền bằng tiếng Việt tại Việt Nam và vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng (quê Nghệ An) – bệnh nhân đang điều trị tại Khoa ghép tế bào gốc, Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Buổi giao lưu được truyền hình trực tiếp trên báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo trên Facebook (https://www.facebook.com/daidoanket.vn/videos/191284856137992/)
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trên fanpage hoặc qua mail: bbtdko@gmail.com
(Ấn F5 để cập nhật)
__________________________________________
Tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.
Khi nhắc tới ung thư, người ta nhắc tới với tên gọi khiến người nghe sợ hãi như “Căn bệnh thế kỷ”, “Đại dịch ung thư”“bị tuyên án tử”… Và trên thực tế, nhiều người khi mắc ung thư đã “tán gia bại sản”, “tiền mất, tật mang”... Những ám ảnh tâm lý, ám ảnh bệnh tật, ám ảnh vì chi phí điều trị tốn kém khiến kinh tế gia đình sụp đổ… đeo đẳng cuộc sống của người bệnh và gia đình họ.
Nhưng cũng có một thực tế, có nhiều người đã chiến thắng căn bệnh thế kỷ này, họ đã thoát ‘án tử’ một cách ngoạn mục. Ví như câu chuyện của, nữ sinh Đại học Ngoại thương Đặng Trần Thủy Tiên tuyên bố đã khỏi bệnh vào năm 2020– trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người trong hành trình chiến thắng bệnh ung thư.
Vậy mắc bệnh ung thư có phải là nhận sẵn án tử hình?
Người bệnh ung thư cần làm gì để sống chung và chiến đấu với căn bệnh thế kỷ này?
Ngoài phác đồ điều trị của bệnh viện, theo y khoa còn có những liệu pháp nào giúp người bệnh có thể vượt qua nỗi ám ảnh của căn bệnh này? Rất, rất nhiều câu hỏi đã được bạn đọc và những người tổ chức chương trình đặt ra.
Đừng bao giờ tắt hy vọng
Mở đầu buổi giao lưu, nhà báo Lê Anh Đạt thay mặt cho Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết gửi lời cảm ơn tới bác sỹ Nguyễn Quốc Nhật, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương, bạn Đặng Trần Thuỷ Tiên, chị Thiên Thiên- vợ bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng- dù bận công việc, dù ở trong hoàn cảnh đang chăm sóc bệnh nhân, chống chọi với bệnh ung thư, nhưng đã nhận lời tham gia giao lưu trực tuyến với bạn đọc hôm nay! Chúc các vị khách mời luôn mạnh khoẻ, lạc quan vui sống, tiếp năng lượng tích cực đến với mọi người.
Chia sẻ về ý nghĩa về tên gọi của buổi giao lưu: "Biệt dược" chữa bệnh ung thư, nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, chữ biệt dược nằm trong ngoặc kép có ý nghĩa rằng, ngoài phương pháp chữa trị của y học hiện đại, bên cạnh đó vẫn có một loại thuốc đặc biệt khác. Đó có thể là sự chấp nhận, đối mặt, bình tĩnh, lạc quan, vui sống để vượt lên bệnh tật.
Trên thực tế, các liệu pháp tinh thần đã giúp không ít người khỏi bệnh trước sự ngỡ ngàng của khoa học, y học. Cuộc sống vẫn vậy, luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu chờ đợi chúng ta khám phá. Có một quy luật, đó là tận cùng của đêm đen là bình minh. Tận cùng của đau khổ có thể hạnh phúc đã cận kề. Điều đó luôn nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực hết mình, đi hết, đi tận cùng con đường của mình. Bất ngờ nằm ở phía cuối con đường.
Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, có một điều chắc chắn rằng, luôn có một đáp án cho mỗi bài toán khó, bài toán hóc búa của cuộc đời. Không có bài toán nào là không có lời giải, chỉ là chúng ta chưa tìm ra. Có mặt tại đây là nữ sinh Đại học Ngoại Thương, Hoa khôi Truyền cảm hứng Đặng Trần Thuỷ Tiên, người vừa chữa lành ung thư là minh chứng sống động nhất cho những gì chúng ta muốn bàn đến trong buổi giao lưu hôm nay.
Cơ thể con người mất cả triệu năm tiến hoá để trở thành một cỗ máy hoạt động hoàn hảo nhất. Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa khám phá hết những bí ẩn về con người và thế giới cũng không thiếu những điều kỳ lạ. Bởi vậy, chúng ta luôn có hy vọng, cuộc sống luôn có phép màu và tin tưởng hoàn toàn vẫn có thêm một con đường khác nữa đến chiến thắng bệnh ung thư.
Nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ, sự có mặt của bác sỹ chuyên chữa trị ung thư, chuyên gia tâm lý và đặc biệt là những người từng đối mặt, đang đối mặt với bệnh ung thư sẽ cung cấp tới bạn đọc một cái nhìn đa chiều về căn bệnh này.
"Hy vọng! Đừng bao giờ tắt hy vọng. Buổi giao lưu hôm nay là một sự tiếp sức đối với những ai đang đau khổ vì bệnh tật và mong muốn các bệnh nhân sẽ tìm ra được chìa khoá cho cuộc chiến của mình", nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ.
Một lần nữa, nhà báo Lê Anh Đạt trân trọng cảm ơn các vị khách mời, các phóng viên đã có mặt tại buổi giao lưu, và mong cho những thông điệp tích cực sẽ được lan toả mạnh mẽ, đến được với những ai đang gặp khó khăn với bệnh tật. Chúc bạn đọc của Báo Đại Đoàn Kết luôn khỏe, lạc quan, lan tỏa năng lượng tích cực. Chúc buổi giao lưu hôm nay mang đến nhiều điều bổ ích.
Ngay lúc này, nhà báo Trần Anh Tú, Trưởng Ban Điện tử, Báo Đại Đoàn Kết đang có mặt tại Viện và có cuộc trao đổi với bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng – một bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư máu cấp tính – tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.
Cô gái sống 3 cuộc đời
Quay trở lại tại điểm cầu 66 Bà Triệu, nhà báo Nguyễn Công Khanh thông tin, khi thông tin giao lưu trực tuyến này được truyền thông, chúng tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi về Thuỷ Tiên. Câu hỏi chúng tôi nhận nhiều nhất là cảm xúc của Tiên khi nhận được thông tin mình bị bệnh ung thư, nhất là độ tuổi 20 là độ tuổi rất trẻ?
Trả lời câu hỏi này, Hoa khôi Thủy Tiên chia sẻ, thưa các quý vị độc giả đang theo dõi chương trình, ở độ tuổi 20, độ tuổi còn rất trẻ, còn nhiều tương lai ở phía trước, khi nhận được tin mình bị ung thư, nhất là căn bệnh ung thư vú, chỉ những người ở độ tuổi trung niên mới có khả năng mắc cao, tôi không nghĩ mình lại bị căn bệnh này. Khi đó, tôi thực sự bàng hoàng, không tin được vào tai mình, bởi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị ung thư, nhất là đang ở độ tuổi trẻ như vậy. Khoảng khắc đó, tôi có cảm giác mình như đang rơi vào một hố rất sâu không có điểm dừng. Thời gian đó, bề ngoài tôi vẫn tỏ ra vui vẻ, lạc quan vì không muốn gia đình mình bị tác động nhưng bên trong tôi cảm thấy rất buồn, có phần tuyệt vọng.
Câu hỏi:Rất nhiều độc giả bày tỏ sự cảm phục ý chí của em, chia sẻ bí quyết, điểm tựa để vượt qua?
Thủy Tiên: Điều trị ung thư có nhiều yếu tố để vượt qua, như tin tưởng vào khoa học phát triển, yếu tố tài chính, nhưng tinh thần mới chính là yếu tố quyết định để mình chiến thắng căn bệnh này. Lúc đầu như đã chia sẻ tôi cảm thấy hoang mang, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, mình còn quá nhiều thứ để phải cố gắng, còn gia đình, còn tương lai ở phía trước để mình cần phải vượt qua.
Trong quá trình điều trị, thời điểm đó, tôi nghĩ mình chính người đau khổ nhất, không ai có thể đau đớn hơn, Song, khi đến viện điều trị, tôi nhận ra còn nhiều số phận đau khổ hơn mình, bệnh nặng hơn. Khi đó, tôi hiểu rằng, bản thân tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vì tôi còn có gia đình luôn ở bên cạnh.
Hiện tại, khi trở lại với cuộc sống bình thường, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã được ở lại với gia đình, bè bạn. Tôi đang tham gia với một quỹ cho bệnh nhân ung thư trực thuộc FPT, mỗi ngày nhìn thấy các em nhỏ được hỗ trợ bằng tinh thần cũng như vật chất từ quỹ này, tôi có thêm động lực. Và hàng ngày, mỗi buổi sáng mở mắt ra được hít thở không khí trong lành, được mọi người yêu thương, hay đơn giản chỉ được ăn một bát bún ốc trong bữa sáng hôm nay tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Câu hỏi:Bạn có cảm xúc thế nào khi bước lên sân khấu trong lần bạn đăng quang hoa khôi?
Thủy Tiên: Khi biết tin bị ung thư, phải qua một khoảng thời gian bị sốc, hoang mang.. khi bước lên sân khấu với mái đầu không có tóc lúc đó, tôi cảm mình mới chính là mình. Chẳng ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh đó, không ai muốn mình bị mắc căn bệnh đó, và khi đó tôi lại cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Tôi không phải che đậy, hay giấu giếm bởi bệnh tật không tha bất cứ ai.
Câu hỏi: Khi nói về cuộc đời, dường như Thủy Tiên đã sống 3 cuộc đời, một cuộc đời trước khi bị ung thư, một khi điều trị, và một là đã hồi phục?
Thủy Tiên: Đúng như chuyên gia tâm lý Thu Hương đã nói, căn bệnh đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Khi đang là sinh viên năm thứ nhất, tôi cảm thấy cuộc sống được tự do vì học ở Hà Nội, không bị gia đình kiểm soát... Thời điểm đó, cùng với việc đi học, tôi cũng đi làm thêm, khi đó, tôi ít quan tâm đến gia đình mình. Lúc đó, tôi cho rằng, những điều mình nhận được đương nhiên là như thế. Nhưng khi bị bệnh, tôi nhận được sự quan tâm của mọi người, của gia đình, tôi mới thấy trân trọng những gì mình đang có. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngay khi nhìn thấy, lắng nghe, cảm nhận những gì nhỏ bé, bình dị nhất, như việc đi trên một con đường quen thuộc, ăn một món ăn mình yêu thích...
Tôi còn nhớ, có một hôm, hôm đó là sinh nhật tuổi 19 của tôi, bố tôi lên và dẫn tôi ra hàng bún ốc ngay chỗ Hàng Bông, chao ôi, lúc đó, tôi cảm thấy bát bún ốc đó là ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức, tôi cứ nhớ mãi hương vị đó.
Hiện tại, tôi đã tham gia nhiều tổ chức xã hội với mong muốn mang đến niềm vui sống cho nhiều người hơn, tạo niềm vui cho mọi người tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Có lẽ, căn bệnh đã cho tôi thấy, những thứ tôi nhận được nhiều hơn mất.
Câu hỏi:Có độc giả muốn hỏi chị Đặng Trần Thủy Tiên, nếu có thể khuyên những người bệnh đang ở trong tâm trạng tuyệt vọng vì mắc căn bệnh này, Thủy Tiên sẽ dành cho họ lời khuyên như thế nào?
Thủy Tiên: Thời gian qua, điều mà tôi học được trong quá trình điều trị căn bệnh này chính là sự bình thản, bình tĩnh. Có lẽ hai chữ quan trọng nhất đối với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là hai chữ “chấp nhận”. Tôi chấp nhận thực tại, khó khăn đến với cuộc sống của mình. Điều quan trọng không phải là cuộc sống dài hay ngắn, mà quan trọng là sống ý nghĩa. Mọi thứ đều có thể xảy ra và mình bình thản chấp nhận nó. Khi đó, mình sẽ thấy cuộc sống nhiều màu sắc vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Ung thư không phải dấu chấm hết
Một vị khách được mời tới buổi giao lưu này và cũng là người đã và đang nhận được nhiều câu hỏi nhất chính là ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó Trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Câu hỏi: Bác sỹ đã đưa ra thông điệp về giác độ y khoa rất khác, ung thư không phải là dấu chấm hết. Có câu hỏi bạn đọc gửi tới bác sỹ, trong quá trình điều trị bệnh nhân K thì yếu tố tinh thần đóng góp như thế nào với việc điều trị bệnh ung thư?
Bác sỹ Nguyễn Quốc Nhật: Tôi là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân ung thư máu tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Tôi nghĩ tuổi đời trong nghề chưa nhiều, hơn 10 năm, tuy nhiên, từng ấy năm tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân tiếp nhận chuẩn đoán bệnh. Thâm tâm tôi vẫn suy nghĩ, trước đây mọi người vẫn nghĩ bệnh nhân ung thư là dấu chấm hết. Quan điểm bây giờ đã khác, còn rất nhiều cơ hội, cần chiến đấu, cần đối đầu với bệnh tật. Vì vậy, không bao giờ được từ bỏ, cho dù theo cách nào thì cũng có cách giải quyết tốt nhất cho từng người bệnh. Tuy nhiên để chiến đấu, đối đầu trực tiếp với bệnh không phải ai cũng có thể làm được.
Thực tế, về mặt tinh thần về mặt chuyên môn, có người đủ tiêu chuẩn để chiến đấu với bệnh tật, có người không đáp ứng được. Chúng tôi sẽ có những phương án phù hợp để có mục tiêu với người bệnh. Đó là những mục tiêu khác hơn, đó không phải sự lui bệnh hoàn toàn mà cải thiện thời gian và chất lượng cuộc sống, đó cũng là mục tiêu cần đạt được. Cho nên, suy nghĩ ung thư là dấu chấm hết cần thay đổi, theo hướng tích cực hơn, phải chiến đấu, đối đầu, có nghị lực quyết tâm chiến thắng nó theo mức độ, cách thức khác nhau.
Câu hỏi:Bác sỹ có thể đưa thêm con số cụ thể về việc này?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật: Câu hỏi này bạn Thủy Tiên đã trả lời rồi, tinh thần chiếm bao nhiêu % giúp chiến thắng bệnh ung thư chúng tôi không dám chắc, nhưng có thể khẳng định, tinh thần người bệnh chiếm tỉ lệ thành công rất lớn trong chiến đấu với bệnh ung thư. Đầu tiên phải có tinh thần bênh nhân mới tiếp nhận điều trị. Người ta không có tinh thần sẽ có thể từ chối điều trị. Bệnh nhân sợ rất nhiều thứ, không có khả quan, sợ tác dụng phụ của thuốc, sợ những mặc cảm. Nhiều bệnh nhân từ chối chỉ đơn giản với lý do họ hỏi bác sỹ rằng khi hóa trị tôi có bị rụng tóc không? Chỉ đơn giản mỗi vấn đề rụng tóc cũng đã là một áp lực khiến học không chấp nhận được. Theo tôi, tinh thần rất quan trọng, có tinh thần mới có nghị lực, người bệnh mới phối hợp bác sỹ để chiến đấu bệnh tật.
Trong ung thư máu riêng về khả quan điều trị bằng phác đồ đa hóa trị liệu. Với những người còn điều trị thì tỉ lệ thành công đạt 70-80% bệnh nhân có thể chiến thắng bệnh ung thư. Khỏi bệnh hoàn toàn chúng tôi không dám khẳng định. Nhưng có nhiều bệnh nhân thời gian sống cũng như chất lượng cuộc sống rất tốt khi chấp nhận điều trị.
Câu hỏi:Theo bác sĩ thì việc thông báo thẳng thắn tình trạng bệnh tốt hơn hay giấu bệnh nhân sự thật về mức độ bệnh của họ tốt hơn?
BS Nguyễn Quốc Nhật: Việc giấu hoàn toàn tình trạng bệnh với người bệnh ung thư là không thể. Tuy nhiên, việc giải thích, thông báo tình trạng bệnh cũng như lộ trình điều trị thường được các bác sĩ chia ra nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu thường chỉ thông báo về bệnh và kế hoạch điều trị trước mắt và thường sẽ đưa ra tiên lượng khả quan nhất cho người bệnh, trong quá trình điều trị người bệnh và gia đình sẽ tiếp tục được trao đổi về tiến triển bệnh cũng như kế hoạch điều trị tiếp theo lúc đó tinh thần của bệnh nhân đã tốt hơn bác sĩ sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng bệnh một cách sát hơn để bệnh nhân phối hợp điều trị.
Câu hỏi:Bác sĩ có lời khuyên cụ thể gì với bệnh nhân và người nhà khi đối diện với thực trạng bệnh tật của họ?
BS Nguyễn Quốc Nhật: Ung thư không phải là dấu chấm hết, chúng ta phải chiến đấu, đối đầu trực tiếp với ung thư. Hãy xem điều trị ung thư như điều trị các bệnh khác. Với tiến bộ của y học hiện đại, thì bệnh nhân ung thư đã có rất nhiều cơ hội để chiến đấu với căn bệnh của mình. Đừng bao giờ từ bỏ, cơ hội luôn ở trước mắt.
Chỉ dành 3 ngày để khóc
Nhà báo Trần Anh Tú: Tôi vừa ở viện huyết học truyền máu trung ương sáng nay và có cuộc nói chuyện với bệnh nhân, với người nhà bệnh nhân. Tôi thấy rằng, họ đang thể hiện sự quyết tâm, lạc quan. Tôi thấy rằng, người nhà là chỗ dựa của các bệnh nhân và ngược lại. Tôi cũng có cảm giác rằng, có thể anh Hùng cũng đang chỗ dựa cho người vợ có mặt hôm nay.
Ngoài sự cố gắng bệnh nhân, tôi thấy rằng các bác sỹ đang cố gắng rất nhiều, đặc biệt dịch covid vẫn đang đe doạ. Áp lực, nhất là áp lực của bác sỹ chữa trị trực tiếp cho bệnh nhân ung thư là rất lớn. Tôi cũng cảm nhận rằng, đôi lúc họ rất nghiêm khắc, nhưng đây là nghiêm khắc dành 100% cho bệnh nhân. Hôm nay, anh Hùng không có mặt tại buổi giao lưu, anh Hùng nói với tôi rằng anh Hùng đủ sức khoẻ để giao lưu trực tuyến nhưng các bác sỹ có lý lẽ khác và họ đồng ý. Và ưu đãi duy nhất là họ cho phép tôi trao đổi trực tiếp với anh Hùng 10 phút như chúng ta vừa xem.
Nhà báo Công Khanh: Tại buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, chúng tôi có mời tới đây bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng – một bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Mặc dù sẵn lòng tham gia buổi giao lưu trực tuyến, nhưng do các chỉ số sức khỏe không đảm bảo nên rất tiếc anh đã không tới được chương trình. Nếu anh có mặt ở đây, chúng ta có thể đã được nghe tiếng hát đầy lạc quan của anh.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn mà anh đã vượt qua, chúng tôi đã mời chị Thiên Thiên – người vợ, người đã đồng hành cùng anh trong quá trình điều trị căn bệnh K máu cấp tính – một trong những bệnh K phức tạp.
Câu hỏi:Thưa chị Thiên Thiên, hiện nay quá trình điều trị của anh Hùng diễn ra như thế nào? Với vai trò là một người vợ, người đồng hành cùng anh Hùng trong cuộc chiến chống chọi với ung thư, chị thấy điều gì quan trọng nhất trong quá trình điều trị căn bệnh này?
Chị Thiên Thiên: Cho đến thời điểm này, anh Hùng đang điều trị hóa trị đợt thứ nhất tại viện huyết học truyền máu trung ương. Anh đang trong quá trình phục hồi. Sau đợt này nếu các chỉ số lên, anh sẽ được nghỉ ngơi vài tuần sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định tiếp quá trình điều trị
Câu hỏi:Khi nhắc đến bệnh ung thư, người đồng hành rất quan trọng. Với vai trò là người vợ, người đồng hành trong cuộc chiến này chị thấy điều gì quan trọng nhất?
Chị Thiên Thiên: Nói về căn bệnh ung thư từ trước đến nay tôi chưa bao giờ hình dung và nghĩ mình hay người thân của minh mắc căn bệnh mà tất cả mọi người đều sợ. Trước đây tôi cũng làm truyền thông, nhưng không bao giờ đọc các bài viết về ung thư bởi nó ám ảnh vô cùng. Thế nhưng ngày chúng tôi được bác sĩ thông báo chồng tôi bị ung thư máu, hai vợ chồng lặng đi, chúng tôi nắm tay nhau và không nói gì cả. Ngay lúc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là minh phải cứng rắn, tuyệt đối không biểu lộ lo lắng. Tôi không thể để chồng mình suy sụp thêm. Anh Hùng cũng không muốn vợ phải lo lắng, chịu đựng nỗi đau lớn này. Cũng may hai vợ chồng trong cuộc sống trải qua nhiều khó khăn, biến cố nên rất hiểu nhau.
Sau khi thông tin anh bị bệnh, hai vợ chồng cùng cười và cùng khóc. Chúng tôi cho phép minh khóc thoải mái trong 3 ngày rồi sau đó lấy tinh thần để chiến đấu với căn bệnh quai ác này. Bản thân tôi rất lo lắng và sợ vì anh Hùng là trụ cột cho cả gia đình nhưng tôi vẫn bảo anh ung thư không phải là giấu chấm hết, không phải không chữa được, ung thư chỉ là bệnh hiểm nghèo và mình cùng nhau tìm cách chữa bệnh.
Vài ngày sau hai vợ chồng tôi cùng dắt nhau ra bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Câu hỏi:Như chị chia sẻ, hai vợ chồng anh chị đã dành ra 3 ngày để khóc, sau đó sẽ cùng chiến đấu. Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của chị Thiên Thiên và thống nhất rằng đây là một căn bệnh và căn bệnh này có thể chữa được và chúng ta sẽ chữa như căn bệnh khác? Vậy chị đã đồng hành cùng anh như thế nào?
Chị Thiên Thiên: Hiện hai vợ chồng tôi đã chiến đấu với căn bệnh này được hơn 1 năm. Quan trọng nhất trong quá trình chiến đấu chính là tinh thần. Tinh thần để vượt qua nghịch cảnh khó khăn nhất. Cũng may là chồng tôi được Bác sĩ Nhật điều trị. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào BS. BS Nhật nói với chúng tôi rằng, tinh thần rất quan trọng. Chúng tôi tiếp nhận và coi đó như là một kim chỉ nam, định hướng trong quá trình điều trị.
Thú thật, lúc anh Hùng bị hóa chất làm cho mệt mỏi, rụng tóc, tác dụng phụ, tôi rất sợ. Chồng tôi không than vãn kêu ca, mệt đến đâu cũng chỉ im lặng. Tôi nhìn chồng như thế, ruột quặn thắt mà chỉ biết nuốt chặt nước mắt vào trong. Bởi tôi biết, nước mắt của mình sẽ làm cho tâm trạng của anh xấu đi, làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Trong thâm tâm tôi nghĩ anh phải chịu đau đớn như thế không kêu ca gì thì minh là vợ càng phải vững vàng hơn. Lúc nào tôi cung cố gắng giữ tinh thần vui vẻ. Tôi thường nắm chặt tay anh và nói: Anh hãy cố lên, Bờm ơi cố lên.
Những câu nói trong hoàn cảnh như thế chính là động lực vô cùng to lớn. Anh cũng luôn động viên tôi: Mẹ cố lên, ba rất thương mẹ. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng chỉ cần nghe câu đấy thôi mọi thứ dường như quay trở lại ban đầu. Chúng tôi cùng thêm năng lực cho nhau để sớm chiến thắng căn bệnh này.
Câu hỏi:Bây giờ anh chị đang gặp phải trở ngại gì? Và mong muốn nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ cộng đồng xã hội?
Chị Thiên Thiên: Trong một nhà có người bị bệnh ung thư thì khó khăn có thể nói là không kể hết. Tính ra, một đợt điều trị tiền viện phí lên đến hơn 100 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại, ăn uống, thuốc điều trị ngoai….
Hiện chồng tôi đang trong quá trình điều trị để ghép tủy. Đây là phương án cuối cùng để kéo dài sự sống cho anh. Chi phí để ghép tùy là rất lớn, trong khi kinh tế của hai vợ chồng sau hơn 1 năm điều trị giờ chỉ là con số không.
Câu hỏi: Chị làm thế nào để có thời gian và tiền bạc chăm sóc anh trong thời gian rất dài?
Chị Thiên Thiên: Từ khi chồng tôi mắc bệnh, tôi đã phải nghỉ làm hoàn toàn để chăm sóc anh, chúng tôi ở cùng nhau 24/24h. Ung thư máu có điểm khác là đã vào điều trị thì không thể ra ngoài vì nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Chồng tôi cũng rất muốn vợ ở bên cạnh - đó chính là liều thuốc tinh thần. Bản thân tôi cũng thế, lúc nào không ở bên cạnh anh thì vô cùng lo lắng.
Thời gian qua, quá trình chữa bệnh của chồng tôi ngoài bảo hiểm còn là sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, người thân, bạn bè và một phần không nhỏ của cộng đồng. Tôi nghỉ việc hơn 1 năm nay nên không có thu nhập, hai bên nội ngoại cũng rất khó khăn, càng khó khăn hơn với người ở ngoại tỉnh bởi mọi sinh hoạt hàng ngày vô cùng tốn kém.
Bệnh của anh Hùng là ăn uống phải đảm bảo, nguồn thực phẩm rõ ràng, tránh bị nhiễm khuẩn. Đồ ăn nhà tôi phải mang từ quê ra. Một ngày tôi nấu đủ 3 bữa và các bữa phụ để bổ sung dinh dưỡng…
Câu hỏi: Từ hoàn cảnh của mình, chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm đến với những người có cùng hoàn cảnh?
Chị Thiên Thiên: Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là tinh thần, tinh thần của người bệnh và cả người nhà. Không nên tách biệt mình với cộng đồng và xã hội. Tốt nhất là nên tiếp xúc với những nguồn năng lượng tích cực. Ví dụ mỗi lần tôi xuống tinh thần tôi lại vịn vào câu nói của chồng để đứng dậy: “Có hai thứ không tồn tại, đó là quá khứ và tương lai, chỉ có hiện tại. Ngày mai không biết ra sao, vậy hãy cứ sống cho hôm nay. Buồn cũng qua một ngày, vui cũng qua 1 ngày. Vậy hãy sống 1 ngày cho thật có ý nghĩa.
Nhà báo Trần Anh Tú: Chúng ta vừa chứng kiến những giọt nước mắt của người vợ. Như chị vừa nói, vài ngày đầu chị cho phép mình khóc, cho phép mình có những giọt nước mắt trên mặt. Và thời gian điều trị tại bệnh viện, cả 2 anh chị đều cố gắng lạc quan. Hôm nay chúng ta có bạn Thuỷ Tiên. Thuỷ Tiên còn trẻ và rất đẹp, tôi muốn hỏi Thuỷ Tiên khi chữa trị phải rụng tóc, khi hình dáng bên ngoài thay đổi, Thuỷ Tiên cảm thấy thế nào?
Thủy Tiên: Xin cảm ơn Nhà báo! Thực sự, khi nhận được tin bị bệnh ở độ tuổi này, tôi không thể không sốc, không thể không buồn. Sinh ra là phụ nữ, ai cũng muốn mình xinh đẹp. Tôi cũng luôn chăm chút đến hình thức, ngoại hình của mình, bởi vậy khi biết mình đang mang trong mình căn bệnh quái ác này, tôi đã cảm thấy hoang mang lo sợ, cũng nghĩ rằng khi điều trị mái tóc mình sẽ ra sao, làn da sẽ sạm đi thế nào...
Nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng, điều quan trọng nhất vẫn chính là sức khỏe của bản thân mình. Những yếu tố tác dụng của hóa chất trong quá trình điều trị như rụng tóc, móng tay móng chân bị xạm, làn da thay đổi, đó là quá trình tất yếu khi điều trị thôi, rồi sau này khi khỏi bệnh, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Tự an ủi mình như vậy, tôi chủ động cạo tóc để chữa bệnh.
Và hiện tại, tôi đã có sức khỏe ổn định như người bình thường và hoàn toàn có thể tự tin với vẻ bề ngoài của mình.
Nhà báo Nguyễn Công Khanh: Qua chia sẻ chị Thiên Thiên, tôi thấy có điểm chung, khi nghe căn bệnh ung thư có cảm giác sợ hãi nhưng chúng ta không để cảm xúc sỡ hãi chiến thắng mình. Tôi cũng rất đồng cảm, tôi cũng có người thân mắc căn bệnh này, tôi cũng có người thân qua đời căn bệnh này. Quan điểm của tôi là đây là căn bệnh, và chúng ta sẽ chữa bệnh như bao căn bệnh khác.
Xin cảm ơn chị Thiên Thiên. Xin một lần nữa gửi lời chúc an lành tới anh chị. Và mong rằng với tinh thần lạc quan, với nghị lực của anh cùng chị, cũng như sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ, anh chị sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Như chúng ta đã thấy, cả anh Hùng và chị Thiên Thiên đều nêu lên một điểm mấu chốt rằng, một trong những điều quan trọng khi đối mặt với bệnh ung thư là phải giữ được tinh thần “vượt qua những đau đớn của thể xác để nuôi dưỡng tinh thần lạc quan vui khỏe để truyền lửa cho những bệnh nhân khác”.
Có thể nói, “Ung thư” chỉ có 2 từ đơn giản nhưng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến một người bị chẩn đoán mắc bệnh này.
Nếu bác sĩ chẩn đoán một người bị ung thư, đó chỉ là bước đầu tiên cho một hành trình dài với những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, tâm lý của bệnh nhân ung thư và mối quan hệ với những người thân yêu. Việc điều trị ung thư có thể làm thay đổi tài chính, cảm xúc và tâm lý của bệnh nhân ung thư.
Thay đổi góc nhìn về cuộc sống
Tại buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi đã mời bà Nguyễn Thu Hương – Chuyên gia tâm lý – người sáng lập ứng dụng Thiền đương đại một trong những ứng dụng đầu tiên ứng dụng thiền tiếng Việt tại Việt Nam.
Chuyên gia tâm lý và thiền Nguyễn Thu Hương: Chúng ta đều biết là sức khoẻ tinh thần vô cùng quan trọng. Không chỉ với bệnh nhân ung thư mà bất cứ với căn bệnh nào, sự lạc quan và bình an của bệnh nhân cũng sẽ ảnh hưởng tích cực lên quá trình điều trị.
Thực ra mình không phải chuyên gia tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân ung thư, nhưng trong quá trình chia sẻ về lối sống thiền, lối sống bình an, mình gặp khá nhiều người mắc các bệnh nan y, và bệnh ung thư đến nhờ tư vấn.
Mình có thể kể một vài câu chuyện điển hình mà chúng ta, hay những người bệnh nhân ung thư và cả người nhà bệnh nhân có thể thấy mình trong đó.
Có một chị học viên tham gia một workshop của mình kể rằng: Sau khi điều trị thành công bệnh ung thư, chị nhận ra căn bệnh đó đã làm thay đổi cuộc đời chị. Trước đó chị không sống theo đúng nghĩa, trước đó chị luôn theo đuổi những thứ phù phiếm, bề mặt, ngại nói lời yêu thương hay thể hiện tình cảm với những người thân, dành thời gian cho những điều không thực sự quan trọng trong đời mình. Nhưng khi căn bệnh đến, chị nhận ra hoá ra cuộc đời không kéo dài mãi, dành thời gian xác định lại những gì mới là ý nghĩa trong cuộc đời mình, là người thân, là tình yêu, là chia sẻ và tận hưởng những điều giản dị. Chị biết trân quý cuộc sống hơn, và sau khi điều trị thành công bệnh ung thư, chị không còn sống như trước đây nữa mà sống cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Hoá ra căn bệnh ung thư đó cũng mang lại cho chị một món quà là sự nhận thức về cuộc sống.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy rằng khi thay đổi góc nhìn về một biến cố trong cuộc sống, chúng ta sẽ đón nhận nó một cách tích cực hơn và thay đổi cách ứng xử của mình.
Ung thư là một thách thức lớn với bất cứ ai, không chỉ bệnh nhân mà còn đối với người nhà của bệnh nhân. Nhiều trường hợp mình được tiếp xúc thì bản thân người bệnh không chỉ lo lắng cho bản thân mà còn sợ mình trở thành gánh nặng của cả gia đình, nên không dám chia sẻ những cảm xúc của mình với những người thân, trong khi việc được nói ra những nỗi lòng của mình cũng rất quan trọng trong việc giải toả tâm lý.
Tôi có một câu chuyện khác muốn kể: Cũng là một chị bệnh nhân ung thư khác đến chỗ của tôi: chị kể khi biết mình bị mắc ung thư, vì sợ bố mẹ mình lo lắng, chị giấu tất cả mọi người, nói rằng mình đi công tác dài ngày và tự đến bệnh viện điều trị. Mãi đến khi không giấu được nữa, chị mới nói với gia đình. Khi biết tin thì bố của chị nói với chị là: Bố mẹ cũng có quyền được lo cho con, con đừng tước đi quyền đó của bố mẹ. Câu nói đó đã khiến chị rất xúc động, từ đó đã chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn. Quá trình điều trị tích cực hơn khi chị biết phía sau mình luôn có những người yêu thương và ủng hộ mình. Chị nhận ra bố mẹ mình, người thân của mình mạnh mẽ hơn mình nghĩ và mình có thể nương tựa vào họ, thậm chí là tận hưởng sự chăm sóc chứ không cảm thấy ái ngại hay tội lỗi.
Chúng ta sẽ thấy rằng khi mắc phải một căn bệnh nan y, lo lắng chồng chất lo lắng khiến bệnh nhân suy nghĩ nhiều, sức khoẻ tinh thần suy giảm.
Nhiều độc giả tiếp tục đặt câu hỏi cho chuyên gia tâm lý Thu Hương: Đa phần, khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư, bệnh nhân sẽ bị sốc về mặt tâm lý khiến bệnh ngày một nặng hơn. Vậy bà có biện pháp gì hỗ trợ bệnh nhân cũng như người nhà để họ yên tâm chữa bệnh?
Bà Nguyễn Thu Hương: Ung thư là một căn bệnh mà nhắc đến thôi thì ai cũng sợ hãi. Tôi nghĩ rằng tuỳ từng tình trạng của bệnh nhân, chúng ta sẽ có những cách hỗ trợ về mặt tinh thần khác nhau.
Ví dụ như với bệnh nhân mới chỉ đang trong giai đoạn đầu, có khả năng phục hồi cao, thì họ cần được tiếp cận với những thông tin như: hiện nay y học đã phát triển ra sao, tỉ lệ chữa trị thành công như thế nào.
Nếu có những lo lắng có thể viết nhật ký, chia sẻ cảm xúc với những người mà họ tin tưởng, nói những điều tích cực với bản thân.
Với những người nặng hơn thì việc nói chuyện với một chuyên gia tâm lý sẽ hiệu quả hơn. Vì mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, nỗi lo lắng khác nhau, khó có công thức chung nào để áp dụng cho tất cả, nhưng hầu hết mọi người đều có nhu cầu được chia sẻ những lo lắng. Khi giữ những lo lắng trong lòng, tâm trí có xu hướng suy diễn hay hình dung đến những điều tồi tệ. Cần có người giúp họ có những nhận thức khác lạc quan hơn về tình trạng của mình.
Các hình thức bổ trợ như: tập hít thở để cảm xúc cân bằng hơn, viết nhật ký để “xả”, với một số người thiền nhẹ nhàng để thả lỏng cơ thể và tâm trí cũng giúp họ thư giãn.
Tuy nhiên trước hết, việc shock tâm lý khi biết mình mắc bệnh nan y cũng là điều rất dễ hiểu. Người bệnh không nên bắt mình ngay lập tức phải khá hơn, đè nén cảm xúc, họ có thể cho mình một khoảng thời gian ôm ấp những nỗi sợ và lo âu trong mình thay vì cố gắng gạt nó đi rồi lại căng thẳng vì chưa thể làm vậy ngay.
Câu hỏi:Theo bà, tinh thần đóng vai trò như thế nào trong quá trình điều trị căn bệnh ung thư?
Bà Nguyễn Thu Hương: Sức khoẻ tinh thần chắc chắn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Và với bệnh nhân đang điều trị ung thư thì giữ vững tinh thần lại càng cần thiết hơn nữa.
Chúng ta có thể thấy bình thường khi chúng ta mệt, nhức đầu, hay khó chịu một chút trong người thôi, thì chúng ta cũng đã dễ cáu kỉnh hơn rồi, hay khi bị ốm thì hay có cảm giác tủi thân. Thế thì với bệnh nhân ung thư, quá trình chữa trị có những đau đơn và mệt mỏi rất như vậy rất nhiều và lại còn kéo dài, chắc chắn sẽ khiến tinh thần của họ bị ảnh hưởng. Giữ được sự lạc quan là điều không dễ dàng.
Những lúc như vậy thì theo tôi, “niềm tin” có ý nghĩa rất lớn vào lúc này. Tin tưởng vào y bác sĩ, tin tưởng vào liệu pháp, tin tưởng bản thân và người thân, tin tưởng vào cuộc sống và hành trình cuộc đời của mỗi người sẽ là động lực để người bệnh nhân bước tiếp.
Thay vì nói hãy vui lên, lạc quan lên - điều này thực sự khó khi người bệnh đang đau đớn, hãy nói: chúng ta hãy tin tưởng, tin mọi điều diễn ra đều có một ý nghĩa nào đó, và tin những người đang hỗ trợ mình.
Với chia sẻ của chị Hương cùng các vị khách mời Đặng Trần Thủy Tiên – nữ sinh truyền cảm hứng chiến thắng bệnh ung thư, anh Nguyễn Trọng Hùng bệnh nhân đang điều trị ung thư, chị Thiên Thiên đại diện cho những người có người thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó Trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chúng ta đã phần nào có thêm những giác độ, những thông tin chân xác và những động lực để thêm tin tưởng vào sự tiến bộ của y học, những liệu trình điều trị mỗi ngày một hiệu quả, cũng như nhìn nhận một cách thẳng thắn, thực tế về bệnh K cũng như có một niềm tin rằng bị ung thư không phải mang án tử. Đúng như câu nói của Đặng Trần Thủy Tiên - Có thể khóc nhưng không gục ngã hay trong lời bài hát Khát Vọng – bài hát yêu thích của bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng – “và sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc, sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư”.
Phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, nhà báo Lê Anh Đạt gửi lời cám ơn tới các bạn đọc tới báo Đại Đoàn Kết. Ông Lê Anh Đạt khẳng định, sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ bạn đọc với chất lượng thông tin tốt nhất và những gợi mở từ những người làm truyền thông, tôi mong những điều tốt đẹp, năng lượng tích cực trong buổi sáng hôm nay lan toả tới ngóc ngách của xã hội.
Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ: "Tôi vừa ra khỏi hội trường này vài chục phút để có độ lùi với tư cách bạn đọc để xem lại cuộc giao lưu. Qua mấy chục phút, tôi cũng tiếp nhận rất nhiều, rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới tôi, tôi cũng cần thời gian để trả lời bạn đọc.
Tôi nghĩ hôm nay chúng ta đã kết nối được với bạn đọc trong câu chuyện, rất nhiều thông tin.
Cá nhân tôi thấy rằng, năng lượng tích cực truyền cho tôi rất nhiều, trong cuộc chiến đầu với bệnh tật Thuỷ Tiên nói một câu là bệnh tật mang đến cho tôi nhiều hơn mất. Như nhà báo Công Khanh đã nói, với người bệnh ung thư có rất nhiều cung bậc, những đau khổ cuộc đời chúng ta không tính bằng độ dài. Hạnh phúc là gì, là khi mất đi chúng ta mới thấy. Thuỷ Tiên khi trải qua bạo bệnh cảm thấy yêu bản thân hơn, cảm thấy yêu bố mẹ hơn, yêu cuộc đời hơn. Có lẽ trong con người của Thuỷ Tiên bây giờ chỉ như có tình yêu thôi. Tôi nghĩ là như vậy, Và với những thông điệp như vậy chúng ta phải trân trọng sức khoẻ mình hơn, yêu những người xung quanh hơn và trân trọng giá trị bản thân mình.
Hôm nay có cô giáo, chuyên gia tâm lý thiền, thực ra thiền là chúng ta đối thoại, truyền thông kết nối trong chính con người chúng ta. Khi đó chúng ta thấy khoẻ là hạnh phúc rồi, có đầy đủ tay để bắt tay bạn bè, ôm người mình yêu thương, bế một em bé, che chở cho ai là hạnh phúc rồi. Đến như Thuỷ Tiên chiến đấu với bệnh tật như vậy, nhưng cô thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta hôm nay không hạnh phúc".
Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, với cuộc giao lưu hôm nay không chỉ đóng lại mà sẽ mở ra. Mỗi người có một hoàn cảnh, có một cách tiếp cận thông tin và cũng có cho mình một chìa khoá để giữ gìn sức khoẻ để chiến đấu với bệnh tật.
Từ những gợi ý, trao đổi trong giao lưu hôm nay, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết tri ân và cảm ơn bạn đọc, tri ân và cảm ơn các nhà hảo tâm đã cùng với chúng tôi.
Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ, sau chương trình này, Đại Đoàn Kết sẽ có chương trình “Nụ cười cho bệnh nhân ung thư”. Vì chương trình khởi tâm phát động dựa trên mong muốn của bạn đọc và cũng là mong muốn của chúng tôi. Chương trình Nụ cười cho bệnh nhân ung thư sẽ quy tụ những người có thế mạnh trong đời sống xã hội để có thể tạo ra sức mạnh tập thể, tiếp sức, chia sẻ, truyền năng lượng. Ở đây không hoàn toàn là người khoẻ mạnh truyền năng lượng cho người bệnh, mà là câu chuyện truyền năng lượng qua lại như hôm nay chúng ta đã được bạn Thuỷ Tiên, được vợ chồng anh Hùng, bác sỹ Nhật truyền năng lượng cho chúng ta khi đối mặt với bệnh tật không sợ hãi, bình tâm, vươn lên.
Chương trình “Nụ cười cho bệnh nhân ung thư” là chương trình chúng ta tiếp sức, truyền năng lượng tích cực trong đời sống. Sau đây báo Đại Đoàn Kết sẽ kết hợp với một số tổ chức, các mạnh thường quân, kết hợp với những người khởi tâm, những người chia sẻ yêu thương cùng đồng hành với chúng tôi để chúng tôi thực hiện chương trình này rộng rãi, có hiệu quả cao.
Một lần nữa thay mặt cho Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết cám ơn các vị khách mời, cảm ơn các phóng viên tới dự đưa tin và đặc biệt cảm ơn bạn đọc cùng tham gia giao lưu cùng chúng tôi. Tôi biết là trong quá trình thực hiện chương trình phục vụ bạn đọc thì bạn đọc sẽ không thoả mãn thông tin được ngay. Đây chỉ buổi mang tính chất gợi mở, chúng ta sẽ còn gặp nhau ở trong cuộc đồng hành với bệnh nhân ung thư làm những điều tốt đẹp cho xã hội.