Phượng được coi là hoa của học trò vì mỗi khi kỳ nghỉ hè tới lại khoe sắc rực rỡ. Những cây phượng đẹp đẽ ấy vốn có nguồn gốc từ Madagascar bên châu Phi, được người Pháp đưa vào Việt Nam từ hơn trăm năm trước. Phượng vĩ giờ đã có mặt ở hầu hết các nơi trên đất nước Việt Nam, trở thành loại cây thân thuộc với mọi người.
1. Tới độ cao từ 5 mét trở lên, phượng vĩ rất đẹp với tán rộng, những cánh lá nhỏ và mảnh như hát lên trong gió. Phượng vĩ là cây thân gỗ nhưng người ta biết tới nó nhiều hơn với tư cách là một loài hoa và cây bóng mát trong mùa hè.
Cánh hoa của phượng vĩ khá lớn, mỗi hoa có 5 cánh thường có màu màu đỏ tươi hay đỏ cam. Người ta cũng thấy một số loài phượng nở hoa màu vàng (kim phượng) và cũng có thể có hoa tím, nhưng rất hiếm.
Dưới ánh mặt trời chói gắt, phượng ra hoa với màu đỏ chói gắt càng làm cho mùa hè thêm rực rỡ. Phượng vĩ được trồng nhiều ở thành phố, nhưng thực ra chúng sống thích hợp với mọi loại địa hình: ven biển, đồi núi, trung du và là loại cây dễ trồng. Sau 30 năm, chúng bắt đầu già cỗi. Nhưng trên thực tế có những cây phượng trên trăm năm tuổi vẫn ra hoa rất đẹp, dù rằng có thưa hơn và sắc hoa cũng không đậm đà như trước.
Phượng vĩ được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam vào khoảng những năm cuối thế kỷ 19. Lúc bấy giờ chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là trồng nhiều, nhất là ở Hải Phòng. Trên nhiều tuyến phố đất cảng, phượng vĩ được trồng khá dày. Đặc biệt, có hẳn một công viên ở trung tâm thành phố trồng phượng vĩ. Từ đó, Hải Phòng còn được biết đến với cái tên “Thành phố hoa phượng đỏ”.
Sở dĩ nó được gọi là phượng vĩ bởi lá phượng - nhất là các lá non trông giống như đuôi của loài chim phượng. Phượng vĩ được trồng ở nhiều thành phố, thị xã, và nhất là trong sân trường học - rất nhiều trường trồng phượng vĩ. Để đến khi sắp kết thúc năm học, khi những chùm hoa phượng cháy đỏ cũng là lúc học trò thấy xao xuyến trước giờ chia tay. Những chùm hoa phượng được học trò hái tặng nhau, ép vào vở làm kỉ niệm bên cạnh những dòng lưu bút ngây thơ trong trẻo.
2. Trong bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh, hình ảnh hoa phượng hiện lên hết sức diệu kỳ:
“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ơi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp/ Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm,/ Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên/ Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng oanh liệt/ Ôi thân thiết tự hào quê hương/ ... Ơi thành phố tháng năm, hoa phượng đỏ quê hương/ Ta mang người trong giữa trái tim ta”.
Hoa phượng đã trở thành biểu tượng của thành phố cảng. Nó gắn bó với mỗi một con người với những kỉ niệm vui buồn, những cuộc chia ly và chứng nhân cho sự trùng phùng.
Tuổi thần tiên.
Có nhiều bài hát mà trong đó hoa phượng cứ cháy lên như một sự day dứt, hoa vẫn đỏ rực nhưng lại đã ẩn chưa một hoài niệm chia ly. Trong những bài hát ấy, bài hát “Hoa học trò” của nhạc sĩ Anh Bằng được nhiều người biết và rất lưu luyến.
“Bây giờ còn nhớ hay không?/ Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa/ Ngây thơ anh rủ em ra/ Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung/ Bây giờ còn nhớ hay không?/ Anh đem cánh phượng tô hồng má em/ Để cho em đẹp như tiên/ Nhưng em không chịu sợ phải lên trên trời/ Lên trời hai đứa hai nơi/ Thôi em chỉ muốn làm người trần gian/ Hôm nay phượng nở huy hoàng/ Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau/ Rưng rưng phượng đỏ trên đầu/ Tìm anh em biết tìm đâu bây giờ...”.
Trong bài “Phượng hồng”- nhạc Vũ Hoàng, thơ Đỗ Trung Quân, hoa phượng lại là hình ảnh gắn kết một mối tình thơ tuổi học trò:
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.../ Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây/ Và mùa sau biết có còn gặp lại/ Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...”.
Phượng tím.
Còn nhà giáo Lê Xuân Chiến (Quảng Ngãi) viết: “Những cánh hoa rụng đầy sân trường, trải cái màu đỏ may mắn lên đầu, lên tóc, lên vai học trò. Muôn ngàn cánh hoa bay trong làn gió như những cánh bướm hồng sặc sỡ, vừa như mừng những cô cậu học trò đã hoàn thành mười hai năm đèn sách, vừa như chia tay tạm biệt họ, để rồi đây họ trở thành những người bạn cố tri ...Tuổi học trò hồn nhiên đi qua nhẹ nhàng, dịu êm ngỡ như chưa từng đến. Cho phượng gửi lời tạm biệt bằng những cánh hoa đỏ rực và hẹn mùa thi sau hoa nở tặng người”...
Phượng hồng có ở nhiều nơi nhưng có lẽ chỉ riêng Đà Lạt có phượng tím. Phượng tím nở tầm tháng 4 hàng năm. Gần 60 năm trước một kỹ sư chuyên nghiên cứu về hoa đã mang hạt giống của loài hoa có màu tím đặc trưng, xuất xứ từ châu Mỹ về Đà Lạt trồng. Thế rồi đến nay, trong muôn vàn loài hoa Đà Lạt, phượng tím vẫn là một điểm nhấn tuyệt đẹp. |