Những ngày này, nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc lại bước vào mùa quả ngọt. Những trái cam Cao Phong (Hòa Bình), quýt Mường Khương (Lào Cai), cam sành Hà Giang… đang giúp cho cuộc sống của bà con trên các vùng núi cao trở nên ấm no, thậm chí giàu có.
1. Chúng tôi lên Hòa Bình lần này theo lời mời của một người bạn quê ở huyện Cao Phong: anh Bùi Văn Hiền. Anh Hiền làm việc ở Hà Nội cùng chúng tôi đã 5 năm nay, nhưng bố mẹ vẫn sống và gắn bó với Cao Phong - Hòa Bình, quyết không dời mảnh đất này. Người Mường ở Hòa Bình có nhiều, gia đình anh cũng là người Mường, bố mẹ anh luôn tự hào về điều đó.
Bùi Văn Hiền sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp đã ở lại Hà Nội theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng Cao Phong vẫn luôn ở trong tim anh, nên cứ cuối tuần anh lại về quê. Lần này, Bùi Văn Hiền rủ chúng tôi về bởi quê anh có Lễ hội cam Cao Phong.
Đây là lần thứ 2 Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức. Tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đã tiếc hùi hụi khi lỡ dịp về dự Lễ hồi cam Cao Phong lần đầu tiên được tổ chức. Tôi nhớ, sau lễ hội, anh Hiền có mang xuống tặng một túi cam Cao Phong. Ai lấy đều khen vị cam ngon, và cái quan trọng là cảm giác được dùng một thứ sản phẩm an toàn từ một vùng cam nổi tiếng của Hòa Bình.
Bởi vậy, năm nay, khi anh Hiền rủ về Lễ hội, chúng tôi lập tức lên đường.
Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai được tổ chức từ ngày 13 đến 20-11, tại Nhà văn hóa huyện Cao Phong (khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) và Trung tâm Bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam.
Nếu năm ngoái, trong lễ hội đầu tiên, chỉ có khoảng 50 gian hàng từ 12 xã trong huyện Cao Phong, thì năm nay, lễ hội có tới gần 300 gian hàng tham gia triển lãm, trưng bày và bán các sản phẩm: cam, quýt, bưởi các loại của huyện Cao Phong; sản phẩm nông sản, hải sản, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp; giới thiệu các làng nghề truyền thống, công ty du lịch; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực trong tỉnh và các tỉnh vùng Tây Bắc…
Trò chuyện với một số bà con ở Cao Phong, thấy trong ánh mắt họ đong đầy niềm vui. Vui bởi thương hiệu cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận Chỉ dẫn địa lý. Vui vì cam Cao Phong mấy năm nay được mùa, được giá…
Anh Hiền bảo, chính vì có thương hiệu mà gần đây cam Cao Phong cũng bị “mạo danh”. Nhiều loại cam có nguồn gốc nơi khác, thậm chí bên nước bạn, khi sang thị trường nước ta cũng tự nhận là cam Cao Phong - Hòa Bình. Điều đó làm cho bà con băn khoăn.
Về Cao Phong lần này, chúng tôi đi qua những vườn cam chín vàng, trĩu quả. Chúng tôi tìm đến vườn cam của gia đình chị Đặng Thị Thu - nữ tỷ phú duy nhất của tỉnh Hòa Bình được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016. Vườn cam của chị Thu nằm ở đội 6, thị trấn Cao Phong, bắt đầu trồng từ năm 2007. Đến nay, sau gần 10 năm, vườn cam đã rộng tới 10 ha với các giống chủ lực là cam Canh, cam lòng vàng trồng xen đã cho thu hoạch. Trò chuyện được biết, ở Cao Phong, mỗi ha cam giá trị thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ cam của vườn chị Thu cỡ dăm bảy tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, toàn huyện Cao Phong có gần 1.000 ha (trong tổng số 2.100 ha cây có múi, chủ yếu làm cam, quýt) bước vào thời kỳ kinh doanh. Ước tính vụ cam năm 2016 huyện Cao Phong thu hoạch 23.000 tấn.
2. Chia tay anh Bùi Văn Hiền, chia tay vùng cam Cao Phong đang vào mùa thu hoạch, chúng tôi lại nhớ tới vùng đất Hà Giang, với đặc sản cam sành. Cũng mới tháng trước thôi, bà con Hà Giang rất phấn khởi vì Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hà Giang.
Từ lâu, cây cam sành Hà Giang đã được xem là một trong những loại cam ngon nổi tiếng. Thậm chí, trở thành thứ đặc sản của Việt Nam, từng lọt vào top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon - Tinh hoa ẩm thực Việt” do người tiêu dùng bình chọn.
Số liệu thống kê cho thấy, có thời điểm (khoảng năm 1990 - 2000), cam sành Hà Giang đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Cây cam đã góp phần giúp nhiều hộ nông dân ở Hà Giang thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống no ấm, ổn định.
Bây giờ cam sành Hà Giang cũng đang bước vào vụ thu hoạch. Đến Hà Giang mùa này, dễ dàng để mua được những trái cam ưng ý, khi ăn có vị thơm nhẹ, vị ngọt và pha giôn giốt chua. Một cán bộ ở Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, cây cam sành bắt đầu được trồng ở Hà Giang từ những năm 1980 tại nhiều địa phương. Tuy vậy, đến nay, vùng có điều kiện tự nhiên thích hợp và là vùng cam trọng điểm của tỉnh tập trung ở 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Riêng huyện Bắc Quang có tổng diện tích trồng cam khoảng hơn 2.000 ha, được trồng tập trung tại các xã: Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng và Đông Thành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng như cam Cao Phong, cam sành Hà Giang thường xuyên bị lợi dụng thương hiệu. Cụ thể, các tư thương hám lợi thường đưa những sản phẩm cam của nơi khác trà trộn với cam sành Hà Giang để bán kiếm lời. Chính vì vậy đã ảnh hưởng đến thương hiệu cam sành Hà Giang, gây “tiếng xấu” cho bà con gắn bó với cây cam ở Hà Giang. Để nhận diện cam sành chính gốc Hà Giang, bà con chia sẻ kinh nghiệm: Cam sành Hà Giang có đặc điểm tròn hơi dẹt, vỏ sần sùi, lớp cùi phía trong dày hơn các loại quả khác cùng chi. Khi chín vỏ màu vàng cam, màu rất tươi. Tép cam mọng nước, màu vàng đỏ, nhiều múi, thích hợp để ép lấy nước hoặc có thể sử dụng trực tiếp sau khi bóc vỏ.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ cam sành mới đây do UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tại huyện Bắc Quang, hiện nay toàn tỉnh có trên 5.800 ha cây cam với hơn 8.700 hộ ở 36 xã tham gia trồng cam. Trong đó có hơn 1.400 hộ/1.400 ha cam đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Chỉ tính riêng sản lượng cam theo tiêu chuẩn VietGap niên vụ 2016 - 2017 ước đạt từ 15.000 đến 17.000 tấn.
3. Nếu cây cam giúp bà con ở Cao Phong (Hòa Bình) và Vị Xuyên, Bắc Quang (Hà Giang) thoát nghèo, có gia đình trở nên giàu có thì cây quýt ở Mường Khương (Lào Cai) cũng đã đắp đổi cho cuộc sống của nhiều gia đình trên vùng cao này ấm no hơn.
Những ngày này, thị trấn Mường Khương tấp nập. Chị Vương Thị Hoa - một người bán tạp hóa mà chúng tôi gặp ở chợ thị trấn cho biết, cả tháng nay, nhiều tiểu thương đã lên các thôn bản để đặt hàng. Giá quýt ổn định ở mức 15.000 - 17.000 đồng/kg (đầu vụ có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg). Nhất là ở thôn Chúng Chải B- nơi được coi là “thủ phủ” của cây quýt ở Mường Khương thì còn tấp nập hơn bởi nhiều du khách cũng đến đây thăm thú, chụp ảnh. Hiện, toàn thôn Chúng Chải B có 37 hộ thì cả 37 hộ đều trồng quýt. Trong đó, có gia đình trồng được hơn 6.000 gốc.
Theo thống kê, toàn huyện Mường Khương có 288 ha quýt thì riêng Chúng Chải B đã chiếm hơn 133 ha. Dự kiến đến năm 2018, diện tích trồng quýt toàn huyện lên đến 400 ha, trong đó, sẽ lựa chọn khoảng 10 ha trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương để xây dựng mô hình sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Khi đến với đất Mường Khương, do hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên cây quýt đã phát triển tốt. Thêm nữa, được bà con chăm sóc kỹ lưỡng nên cây quýt không phụ lòng người, luôn cho quả to, chắc, nhiều nước và có vị ngọt nhẹ.
So với những cây trồng khác, quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn và mùa vụ thu hoạch khá ổn định. Phát hiện tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế bền vững, từ năm 2013, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Dự án phát triển vùng sản xuất quýt hàng hóa huyện Mường Khương. Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương. Các hộ dân tham gia Dự án được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón trong 3 năm đầu, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch…
Mấy năm nay, nhận thấy cây quýt mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ đã không chờ nguồn hỗ trợ mà mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng quýt trên quy mô lớn. Vì thế, cây quýt được coi như một cây thoát nghèo…
*
* *
Đi qua miền quả ngọt, lại thấy thêm yêu những vùng đất. Nơi đó, hằng ngày bà con vẫn cần mẫn chăm sóc cây cam, cây quýt... Biến vùng đất khô cằn thành những vườn quả ngọt cho năng suất cao. Thậm chí, những vườn quả ấy còn trở thành thương hiệu, giúp vùng đất trở nên nổi tiếng hơn, thu hút du khách đến ngày một nhiều hơn. Nhưng để hương vị các trái ngọt được lan xa, đến với những thị trường mới, các cấp các ngành ở mỗi địa phương cần đồng hành chặt chẽ với bà con. Đồng thời tiếp tục quảng bá các sản phẩm, thiết kế tờ rơi, mở các website, thậm chí thiết lập các trang riêng trên mạng xã hội; tham gia các Hội chợ triển lãm tại các thành phố lớn... Có như vậy, những vườn trái ngọt của bà con mới ngày càng đến được tận tay người tiêu dùng. Tránh bị tư thương ép giá, hoặc bị tuồn hàng kém chất lượng vào những thương hiệu đã có uy tín.
Ngày hội trái cây Lục Ngạn
Lục Ngạn (Bắc Giang) được biết đến là vùng trồng vải thiều lớn hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, Lục Ngạn còn phát triển mạnh các loại trái cây có múi, doanh thu từ vải thiều, cam, bưởi ở Lục Ngạn năm 2016 ước này đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, chưa tính doanh thu từ các sản phẩm phụ trợ cho bảo quản và đóng gói trái cây.
Nhằm tạo hướng đi mới trong quảng bá trái cây Lục Ngạn, tạo hướng đi mới cho xúc tiến trái cây Lục Ngạn, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tổ chức Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từ 25 đến 27/11. Theo đó, tại Ngày hội sẽ có 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Lục Ngạn và những địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại Ngày hội, BTC sẽ tôn vinh 10 nông dân Lục Ngạn tiêu biểu trong sản xuất cây ăn quả; tổ chức thi chất lượng trái cây như: cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh được trồng tại Lục Ngạn…PV