Một nhà văn, một họa sĩ - vừa kết hợp thực hiện bộ sách gồm 2 cuốn: “Ăn quà xuyên Việt” và “Lê la quà vặt”. Điều thú vị, lần đầu tiên, những thức quà bình dị, thân thuộc được thể hiện theo xu hướng artbook (sách nghệ thuật). Sau khi ra mắt bản tiếng Việt, bộ sách này đang được dịch ra tiếng Anh, dự kiến ra mắt trong quý I/2018.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (bên trái). và họa sĩ Đặng Hồng Quân.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nổi tiếng với nhiều cuốn sách tạp văn, khảo cứu về Hà Nội như “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Xe máy tiếu ngạo”, “Hà Nội là Hà Nội”... Lần này đã bất ngờ “rẽ lối” khi hợp tác cùng họa sĩ Đặng Hồng Quân thực hiện bộ sách quà vặt. Vốn quen biết nhau qua công việc, Quý và Quân cũng hay chia sẻ thông tin về các chỗ ăn hay giải trí ở Hà Nội. Một ngày nọ, họ nhận thấy cách kết hợp các loại hình mình vẫn hay sáng tác sẽ có ích.
Từ những phác thảo ban đầu và ghi chép của Quân, Trương Quý lọc lại thông tin, đưa ra yêu cầu chỉnh sửa và cấu trúc lại thành hệ thống. “Tuy nhiên, phải mất tới 8 năm dự án mới hoàn thành”- Đặng Hồng Quân nói, và thêm rằng, điều thôi thúc anh thực hiện bộ sách này bắt nguồn từ những ký ức trẻ thơ, được bố (họa sĩ Đặng Bá Cường - Bảo tàng Mỹ thuật VN) cho đi theo những người bạn văn nghệ sĩ của ông khắp Hà Nội. Tuy nhiên, vì dự án kéo dài nên nhiều lúc Quân thấy nản vì có nhiều món ra đời cũng như nhiều món mất đi, cứ làm xong lại phải hủy, thay thế món mới, bổ sung các địa chỉ, thời gian đi lại và ghi chép - vẽ vời luôn dày đặc.
Bộ sách artbook về quà vặt.
Tuy nhiên, Quân cảm thấy may mắn khi gặp gỡ nhà văn Trương Quý. “Anh Trương Quý vốn là kiến trúc sư, anh cũng đóng vai trò “kiến trúc sư” trong 2 cuốn sách này”- Quân tiết lộ.
Trong khi đó, nhà văn Trương Quý thì cho rằng, điều khó nhất là thể hiện bằng hình ảnh các món ăn, các con vật hay rau củ thì Quân đã làm được rất tốt, do có kinh nghiệm là họa sĩ chuyên vẽ sách kiểu giáo khoa. Thêm nữa, Quân có khả năng đưa những nét dân gian vào hình vẽ, vì thế người đọc sẽ cảm thấy gần gũi. Danh sách các món, theo nhà văn Trương Quý, thực ra không phải là điều khó. “Cái khó là với những món quá phổ biến thì phải viết và vẽ sao cho mới mẻ mà vẫn đảm bảo các thông tin cơ bản nhất. Để viết và vẽ cho vui là cái khó hơn nữa”- Trương Quý nhấn mạnh.
Đã có nhiều sách về ẩm thực Việt Nam, kể cả sách có hình vẽ. Tuy vậy, theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, tập trung hẳn vào ẩm thực đường phố, đặc biệt là quà vặt thì “Ăn quà xuyên Việt” và “Lê la quà vặt” có lẽ là những cuốn đầu tiên. Thứ nữa, ở dạng sách tranh thì cũng không nhiều sách dạng này. Phân tích kỹ hơn, nhà văn Trương Quý cho rằng: Xu thế sách tranh mà giới trẻ hay gọi là artbook vốn khai thác thế mạnh của đồ họa và xử lý mỹ thuật cũng càng ngày được quan tâm, nhưng chuyên hẳn về ẩm thực thì có lẽ đây là những cuốn mở đầu.
“Một nét khác nữa là các sách ẩm thực lâu nay thường trình bày dạng tản văn, tùy bút có tính phong tục, suy ngẫm, lồng ghép các thông điệp văn hóa xã hội, và đa phần mang nhiều nét hoài niệm. Những cuốn thực dụng thì lại thuần túy là quảng bá hình ảnh thực đơn nhà hàng hoặc chỉ dẫn cách nấu ăn.
Đây là một loại sách kiểu bỏ túi có nội dung và hình ảnh nhấn mạnh vào yếu tố vui tươi, sinh động của đời sống đương đại. Nó mang góc nhìn trải nghiệm, người đọc sẽ giống như một người đang nhập vai trong một chương trình thực tế. Những gì hôm nay đang diễn ra hiện lên bằng hình vẽ lẫn chữ viết mô tả, như một loại hình đa phương tiện, đó là nét khác biệt của bộ sách này”- Trương Quý chia sẻ thêm.
Mỗi ngõ phố, hay rộng ra là mỗi vùng đất, đều có những món quà vặt hấp dẫn, chất chứa những câu chuyện về văn hóa, về người chủ quán cũng như những câu chuyện bên lề. Tuy vậy, theo họa sĩ Đặng Hồng Quân, sự khác biệt lớn nhất trong không gian, cách thưởng thức quà vặt ở Hà Nội và TPHCM là ở chỗ: Hà Nội thường không gian thưởng thức quà sẽ nhỏ hơn, và sự chồng lấn nhau của các loại quà dày đặc hơn, thậm chí nhiều khi ăn quà cũng lẫn với việc ăn cho no.
Ở Sài Gòn thì ưu tiên sự tiện lợi và đóng gói (take-away) mang đi được, Sài Gòn cũng hay chú trọng cách bày biện cho bắt mắt, ngay cả những món truyền thống địa phương cũng dần công nghiệp và dây chuyền hơn (kiểu lẩu cá kèo như 1 cái công xưởng). Các quán hàng ở Hà Nội thì phụ thuộc bàn tay của ông bà chủ, rời ra là có khi chất lượng món đã khác, các tiệm trong Sài Gòn thì đa phần mọi người có một tiêu chuẩn tương đối rộng nên dễ theo, đa phần là các hàng quán nấu rất đều tay, mỗi hàng ngon một kiểu.
Có thể nói, “Ăn quà xuyên Việt” và “Lê la quà vặt” (NXB Trẻ) đã nối dài dòng sách artbook đang được giới xuất bản ở Việt Nam quan tâm, và nỗ lực đầu tư trong mấy năm qua. Đây là một xu hướng xuất bản cần được khích lệ, bởi nếu không “chịu chơi, chịu chi”, thì khó lòng có được những cuốn sách “made in Vietnam” hấp dẫn về nội dung, còn về hình thức thì không hề thua kém những tựa sách của nước ngoài.
Một tin vui cũng đã đến với hai tác giả, bộ sách không chỉ nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, các thực khách xa gần mà còn được dịch ra tiếng Anh. Đồng nghĩa với điều này, những thức quà vặt của Hà Nội cũng như nhiều vùng của đất nước sẽ được lan truyền, đến với khách du lịch quốc tế…