Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kêu gọi nối lại đối thoại với Mỹ để tái khởi động quan hệ giữa hai cường quốc, khi ông Biden có thể chuẩn bị nhậm chức. Chưa thể nói trước tương lai, nhưng “Tổng thống đắc cử” Joe Biden trước đó đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc với mục tiêu khiến "Trung Quốc hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế mà họ phải tuân theo".
Thiện chí của Trung Quốc
Trong cuộc đối thoại qua video với lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc hôm 7/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bất ngờ khẳng định: "Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay với hai nước là cùng nhau loại bỏ tất cả rào cản để đạt được một cuộc chuyển giao suôn sẻ trong mối quan hệ Trung - Mỹ".
Ông Vương Nghị cho rằng, dựa trên lợi ích chung của đất nước và người dân hai nước, Trung Quốc và Mỹ cần phải nỗ lực tái khởi động đối thoại, trở lại đúng đường và tái xây dựng niềm tin trong giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng kêu gọi 2 nước cần nối lại các cuộc đối thoại ở mọi cấp nhằm khuyến khích trao đổi hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và truyền thông hai nước.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước phụ thuộc vào "lựa chọn đúng đắn" của Mỹ.
Quan điểm của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh, quan hệ Mỹ - Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.
Mỹ đã khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc với lý do Trung Quốc có các hành vi cạnh tranh không công bằng, thách thức tham vọng của Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp và chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc đối với cuộc biểu tình ở Hong Kong và đại dịch Covid-19.
Liên tục trong thời gian gần đây, ngay trong ngày 7/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đóng băng mọi tài sản ở Mỹ và hạn chế đi lại với 14 Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc với lý do thúc đẩy đạo luật an ninh mới tại Hong Kong, cũng như có vai trò trong việc các nghị sĩ đối lập ở đặc khu bị bãi nhiệm theo nghị quyết được quốc hội Trung Quốc thông qua.
Trước đó, ngày 4/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ cắt giảm 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, coi chúng là "công cụ tuyên truyền quyền lực mềm". Đồng thời, cơ quan này đã ban hành lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc bị nghi ngờ sử dung hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, công bố thông tin cá nhân hoặc có hành vi đe dọa với những người bất đồng quan điểm với Bắc Kinh.
Các lệnh trừng phạt mới bao gồm việc hạn chế thị thực với các quan chức Trung Quốc tại một số cơ quan Trung ương.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/12 cũng đưa thêm 4 doanh nghiệp Trung Quốc vào "danh sách đen", trong đó có Tập đoàn dầu khí CNOOC và "gã khổng lồ" trong ngành sản xuất chip điện tử của Trung Quốc SMIC. Hiện thời, tổng số doanh nghiệp Trung Quốc bị liệt vào sách đen của Mỹ lên 35.
Đây là những doanh nghiệp mà Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc và có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ.
Ngày 2/12, Mỹ công bố quy định mới chỉ rõ hiệu lực thị thực du lịch đối với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc giảm từ 10 năm còn 1 tháng.
“Vũ khí” kiềm chế Trung Quốc
Về phía “Tổng thống đắc cử” Joe Biden, trong cuộc phỏng vấn ngày 4/12 với CNN, ông cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Theo đó, ông Biden khẳng định sẽ không lập tức dỡ bỏ thuế quan mà Tổng thống Trump đã áp dụng với Trung Quốc. Mục tiêu của ông là khiến cho "Trung Quốc hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế mà họ phải tuân theo".
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times gần đây, ông Biden cũng cho biết đội ngũ của ông sẽ theo đuổi các chính sách nhằm vào "các hoạt động lạm dụng" của Trung Quốc như đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá, trợ cấp bất hợp pháp cho các doanh nghiệp, ép các công ty của Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Thêm vào đó, Quốc hội Mỹ có thể sắp trao cho chính quyền của ông Biden một khung pháp lý mới nhằm kiềm chế Trung Quốc bằng một dự luật quốc phòng.
Theo Washington Post, bắt đầu từ ngày 8/12, các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu một dự luật quốc phòng mới. Dự luật này nhằm thiết lập một chương trình nhằm củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công mà Lầu Năm Góc đánh giá là cần thiết để kiềm chế sức mạnh hàng hải của Trung Quốc.
Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ ít phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang.
Giới chuyên gia nhận định, dự luật trên có thể coi là "khởi đầu quan trọng" và là dấu hiệu cho thấy Quốc hội Mỹ ủng hộ chính quyền tiếp theo tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc.
Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS), nhận định: "Quốc hội đang phát đi thông điệp rõ ràng (đến chính quyền tiếp theo): Hãy tiến lên".
Các chỉ huy và chuyên gia quân sự Mỹ đều cho rằng, kiềm chế Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức đầu tiên và quan trọng nhất với chính quyền tương lai của ông Biden.
Họ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra thách thức cả về kinh tế, quân sự và kỹ thuật cho Mỹ.
Dự luật quốc phòng mới không chỉ nhằm tăng cường các khí tài quân sự của Mỹ nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà còn là một phần trong nỗ lực nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế Trung Quốc tiếp cận nguồn lực của Ngân hàng thế giới (World Bank).
Với Quốc hội Mỹ, các sáng kiến mới không chỉ củng cố vị thế của Washington, mà còn cho phép các nhà làm luật của nước này kiểm soát nhiều hơn các biện pháp cạnh tranh với Bắc Kinh.