Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vật liệu nổ công nghiệp ( VLNCN) là vật tư không thể thiếu trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thi công công trình. Đi cùng với đó cũng đặt ra vấn đề đảm bảo an ninh, quốc phòng và an toàn trật tự xã hội không chỉ trong công tác khai thác mà còn đối với công tác bảo quản tại các kho vật liệu nổ công nghiệp hiện nay trên cả nước.
Mối nguy hiểm từ kho VLNCN nhỏ lẻ
Theo thống kê của Bộ Công thương năm 2010 là năm có số kho VLNCN trong cả nước được cấp phép cao nhất với 2116 cụm kho. Đến năm 2015, cả nước còn 1478 kho vật liệu nổ, phân bố cả nước, đến năm 2020, cả nước vẫn còn 1282 kho vật liệu nổ. Trong đó có một số địa phương đã giảm mạnh số kho vật liệu nổ, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương đang có số kho vật liệu nổ rất lớn, như Thanh Hóa, gần 130 kho, Nghệ An gần 100 kho, nhiều tỉnh phía Bắc như Cao bằng 90 kho, Hà Giang 63 kho, Lào Cai 64 kho, Hòa Bình 66 kho, Quảng Ninh 80 kho…Trong khi đó, các địa phương phía Bắc, Miền Trung đang có số kho vật liệu nổ được cấp phép rất nhiều, trong số này vẫn còn không ít các kho chứa VLNCN nhỏ lẻ.
VLNCN là một loại hàng hóa vật tư đặc biệt liên quan đến an ninh, an toàn trật tự xã hội & tính mạng nhân dân. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính Phủ luôn quan tâm xác định đúng vị trí, vai trò của nghành VLNCN và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các VBQPPL để quy hoạch, tổ chức quản lý một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên thực tiễn tại một số địa phương, vẫn để xảy ra các tai nạn hết sức thương tâm trong quá trình sử dụng VLN như vụ sập mỏ đá tại Lèn Cờ, Nghệ An năm 2011; tai nạn mỏ đá tại Điện Biên tháng 6/2020.
Đánh giá về những rủi ro trong việc quản lý, sử dụng VLNCN tại tọa đàm trực tuyến: Mô hình kinh tế chia sẻ trong hoạt động cung ứng vật liệu nổ công nghiệp do Truyền hình Thông tấn (TTXVN) tổ chức mới đây, ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương Các kho VLNCN nhỏ lẻ sẽ làm tăng sự phức tạp trong việc quản lý VLNCN, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong việc quản lý và sử dụng VLNCN.
“Hầu hết các tai nạn sử dụng VLNCN đều tập trung ở các đơn vị khai thác nhỏ lẻ, ở vùng sâu vùng xa, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu đội ngũ công nhân kĩ thuật được đào tạo bài bản, yếu kém trong việc đánh giá nguy cơ xảy ra đối với VLN lẫn quy trình khai thác trong các mỏ đá.”, ông Lượng cho hay.
Mô hình điểm từ MICCO
Nhận thấy việc chuyên nghiệp hóa trong cung sản xuất, bảo quản, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn, dịch vụ khai thác mỏ đóng vai trò rất quan trọng đối với tình hình an ninh, xã hội quốc phòng của đất nước chính vì vậy, Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ-Vinacomin (MICCO) đã xây dựng & triển khai thành công chuỗi giá trị từ nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất tiền chất thuốc nổ, thuốc nổ, bảo quản, cung ứng, vận chuyển, sử dụng VLNCN, dịch vụ khai thác mỏ với tính chuyên môn hoá cao, khối lượng cơ giới hoá nạp mìn lên tới 30.000 tấn/năm, tính chuyên nghiệp cao nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ an toàn, an ninh, tối ưu hoá sử dụng nguồn lực xã hội.
“Với gần 30 năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn, dịch vụ khai thác mỏ mặc dù đã khẳng định vượt trội về thị phần trong nước & hiện diện thương hiệu tại 16 quốc gia nhưng MICCO luôn chú trọng nghiên cứu áp dụng KHKT, đưa công nghệ nổ mìn tiên tiến để nâng cao chất lượng khoan nổ mìn và giảm thiểu tác động có hại đến môi trường xung quanh, nâng cao hiệu quả khai thác mỏ” - , ông Nguyễn Văn Sáng, Tổng Giám đốc MICCO nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sáng, hiện MICCO đang quản lý 42 cụm kho VLNCN với sức chứa trên 4300 tấn thuốc nổ. Các kho chứa được thiết kế, xây dựng, thẩm duyệt của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương (Cục KTAT&MTCN- Bộ Công Thương, Cục PCCC&CNCH- Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH.
Là một trong đơn vị được Nhà nước cấp phép hoạt động nhận thấy trong dịch vụ nổ mìn, dịch vụ khai thác mỏ - một ngành nghề vô cùng đặc thù trong đó không cho phép một sai sót dù là nhỏ nhất, do đó Tổng công ty rất chú trọng tuyển chọn đào tạo cán bộ chỉ huy nổ mìn, cán bộ kỹ thuật và đào tạo công nhân nổ mìn để có được đội ngũ cán bộ chỉ huy nổ mìn, CBKT là kỹ sư khai thác mỏ có nhiều kinh nghiệm và đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề nổ mìn, khai thác mỏ. Thời điểm hiện nay, Tổng công ty đã có trên 400 người có trình độ kỹ sư khai thác mỏ trở lên và trên 630 công nhân kỹ thuật nổ mìn từ bậc 3 trở lên có thể đáp ứng yêu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng trong toàn quốc. Đồng thời với huấn luyện định kỳ theo quy định pháp luật. Tổng công ty thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, tiếp cận với các tiến bộ KHKT (xây dựng các bộ tài liệu chuyên đề riêng của Tổng công ty, xây dựng thư viện điện tử & App đọc sách MICCO BOOK qua đó để người lãnh đạo, cán bộ quản lý, chỉ huy nổ mìn, người lao động đọc và tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình làm việc).
Cần giao toàn bộ kho chứa VLNCN cho đơn vị cung ứng
Đánh giá cao những nỗ lực trong việc chuyên môn hóa theo quy trình nghiêm ngặt, khép kín mà MICCO đang triển khai trong việc sản xuất bảo quản, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn, dịch vụ khai thác mỏ TS Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những mô hình như MICCO đã vận hành đúng quy định chính sách pháp luật của Nhà nước; mang lại nhiều kết quả thiết thực: giảm thiểu các kho nhỏ lẻ của các đơn vị sử dụng VLNCN, tiết kiệm quỹ đất xây dựng kho VLNCN, giảm thiểu chi phí & rủi ro trong vận hành, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN.Bên cạnh đó cần có quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn trong việc quản lý, đầu tư, xây dựng kho chứa VLNCN trên toàn quốc.
“Theo tôi nên từng bước giao toàn bộ kho chứa VLNCN cho đơn vị cung ứng vì đây là những đơn vị có chuyên môn cao, đủ năng lực cơ sở vật chất thì mới có thể tổ chức thực hiện có hiệu quả, giảm nguy cơ gây mất an toàn trong bảo quản VLNCN. Mô hình của MICCO là một mô hình điểm vừa đảm bảo an toàn mà chi phí cho doanh nghiệp giảm”, ông Lợi nhấn mạnh.
Đồng tình ông Phùng Tất Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An cũng cho rằng, nếu quản lý VLNCN không tốt còn có nguy cơ thất thoát, làm diễn biến phức tạp hơn tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng VLNCN trái phép ảnh hưởng xấu tới an ninh và trật tự an toàn xã hội.
“Theo tôi nên giao việc bảo quản, cung ứng VLNCN cho các doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệp, chuyên môn hóa cao để làm những cụm kho chứa trung tâm (theo vùng, khu vực), từ đó cung ứng đến các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng”, ông Thắng đề xuất.
Dù đã khẳng định được thương hiệu xong MICCO không ngừng đổi mới, nghiên cứu và sáng tạo để cung ứng một dịch vụ chuyên nghiệp và hiện đại hóa. Theo đó đã có hàng loạt dự án được ra đời như: Đột phá phát triển chuỗi dịch vụ khai thác mỏ dựa trên triết lý “Cộng sinh hợp lực” của doanh nghiệp; Phát triển hệ sinh thái với hàng chục dịch vụ kỹ thuật mỏ để gia tăng giá trị cao nhất cho khách hàng; Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nhằm tiết kiệm sức lao động, cải thiện điều kiện làm việc & nâng cao năng suất lao động, điển hình là tỷ lệ cơ giới hoá nạp mìn đạt trên 50% khu vực Quảng Ninh với sản lượng lên tới 30.000 tấn thuốc nổ/năm…