Sau thời gian thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, được dư luận đồng tình, TP.Hồ Chí Minh muốn đi đến một giải pháp cụ thể hơn: Thu phí tạm thời vỉa hè. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này dư luận vẫn còn nhiều luồng ý kiến.
Tại thời điểm này, nhiều vỉa hè lại bị “tái chiếm”. (Ảnh: Hồng Phúc).
Theo đề án thu phí kinh doanh tạm thời trên vỉa hè của Sở GT-VT, cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thì mức thu cao nhất là 100.000 đồng/m2 ở quận trung tâm và mức thu phí đối với ô tô ở mức 20.000 đồng mỗi lượt. Theo Sở này, các mức thu được đề xuất sau khi đã lấy ý kiến các Sở ngành liên quan.
Việc thu phí tạm thời vỉa hè cũng được cơ quan đề xuất lý giải, xuất phát từ nhu cầu gửi xe của người dân, du khách; nhu cầu về buôn bán, kinh doanh… Tuy nhiên, tùy theo vị trí đắc địa của từng khu vực, mức thu có thay đổi. Chẳng hạn, khu vực trung tâm thành phố là Q.1 áp dụng mức giá cao nhất là 100 nghìn đồng/m2 mỗi tháng; mức thu phí sẽ giảm dần, chẳng hạn thu 80.000 đồng/2 (Q.3); 50 ngàn đồng/m2 (Q.5); 45.000 đồng (Q.10);… Đối với các quận/huyện ngoại thành có mức thu phí là 20.000/m2 mỗi tháng.
Ngay khi đề án được công bố rộng rãi, lấy ý kiến người dân thành phố đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số quận, huyện ngoại thành cho rằng mức thu phí không phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nơi. Bởi vì, một số huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè mức sống của người dân còn thấp; vỉa hè bỏ không chiếm đa số, còn hoạt động buôn bán trên vỉa hè chủ yếu là tự phát, hầu hết là những người lao động nghèo. Có ý kiến thì cho rằng các mức thu phí cần phải cụ thể hơn nữa đối với mỗi khu vực, mỗi một vị trí để đảm bảo công bằng. Nhưng, nhiều ý kiến cũng nói việc ban hành một quy định chi tiết quá thì cũng bất cập, do biến động của thị trường là khá lớn.
Sở GT-VT thành phố lý giải, đây không phải lần đầu đưa ra đề xuất vì trước đó thành phố cũng đã thực hiện mức phí cho thuê tạm thời vỉa hè là 12.000 đồng/m2 và áp dụng chung cho toàn thành phố. Tuy nhiên, Sở này cho rằng mức phí này cho đến nay là quá thấp và không còn phù hợp với hiện tại.
Lý giải của ngành GT-VT thành phố vấp phải phản đối của giới quan sát, bởi vì mức phí 5.000 đồng/m2 chỉ là hình thức, trên thực tế các điểm thu phí đều áp giá trên 10.000 đồng/m2 mỗi lượt, nghĩa là luật bất thành văn lâu nay vẫn áp dụng. Sở GT-VT TP nói nếu để mức thu phí quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nơi lòng lề đường dễ bị biến thành bãi đỗ xe trong thời gian dài.
Tuy nhiên, người dân không thấy như vậy. Nhu cầu hàng ngày của họ vẫn không thay đổi, phí tăng đồng nghĩa với việc chi phí sinh hoạt hàng ngày của họ khó khăn hơn. Vấn đề vỉa hè có bị chiếm dụng lâu dài không do nguyên nhân từ mức phí thấp, mà chính từ bất cập hạ tầng bãi giữ xe của thành phố chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đó mới là vấn đề thực sự!
Trước đây, TP Hồ Chí Minh đã có khảo sát và thực hiện mức thu phí cụ thể đối với 345 tuyến đường, trong đó có 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng; 73 tuyến cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí;…Mức thu 12.000 đồng/m2 mỗi tháng và trên những trục đường có phát sinh nhu cầu thực vào thời điểm đó được đồng thuận. Việc “giải cứu” vỉa hè vừa được thực hiện rầm rộ, người dân phấn khởi khi vỉa hè được chỉnh trang, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, không lâu sau thì vỉa hè lại luộm thuộm. Hợp thức hóa việc sử dụng vỉa hè bằng thu phí, liệu có đem lại sự đồng thuận?