Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang vào khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Việc thành lập một cơ quan quản lý nguồn vốn này, tiến tới tăng hiệu quả kinh tế của các DNNN đang được tranh luận với nhiều luồng ý kiến.
Ảnh minh họa.
2 phương án
Mặc dù đã có những cải tiến, điều chỉnh nhưng tình trạng phổ biến hiện nay là có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước đồng thời là các chủ thể đại diện chủ sở hữu DNNN và vốn nhà nước tại các DN.
Hiểu đơn giản hơn, phần lớn các DNNN về thực chất vẫn có bộ chủ quản hoặc UBND chủ quản. Các cơ quan này đồng thời cũng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các DN.
Chính việc thiếu phân tách giữa hai chức năng tại các cơ quan nhà nước dẫn đến hệ quả là không rõ cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu, là đầu mối của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước; có sự lấn sân từ quản lý Nhà nước sang quản lý của chủ sở hữu DNNN và ngược lại…
Chính sự chồng chéo và không chuyên trách, chuyên nghiệp dẫn đến khó quy định rõ và phân xử trách nhiệm giữa những cơ quan đại diện chủ sở hữu này trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN.
Việc phân tán quyền chủ sở hữu Nhà nước cũng dẫn tới tình trạng không rõ về trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Một số DN có sai phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của kinh tế Nhà nước, nhưng không kịp thời được phát hiện, ngăn ngừa, cảnh báo.
Đến nay Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN đã chốt lại ở hai mô hình quản lý chính để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.
Theo đó, mô hình 1: cơ quan chuyên trách sẽ là một ủy ban thuộc Chính phủ với hai phương án.
Phương án 1 là thành lập một cơ quan chuyên trách hoàn toàn mới trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Phương án 2 là nâng cấp SCIC thành Ủy ban Quản lý doanh nghiệp.
Còn với mô hình 2: cơ quan chuyên trách là một DN. Theo đó sẽ tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là DN trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực).
Tính toán kỹ thiệt hơn
Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam phân tích: Mô hình DN lợi ích nhất là tập trung được tối đa hóa lợi ích cổ đông, nhà nước với vai trò là cổ đông trong DN. Còn mô hình nhà nước sẽ giữ được mục tiêu chính trị.
Còn ông Phạm Đức Trung- Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương phân tích, mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình DN.
Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình DN. Hơn nữa, chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.
Trong khi đó, mô hình DN có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình DN rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước.
Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các tập đoàn, tổng công ty về DN này quản lý. Ngoài ra, cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận mặc dù đem lại hiệu quả rõ nét hơn nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng đầu tàu phát triển các lĩnh vực nền tảng cần vai trò của DNNN.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia mô hình Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước được các chuyên gia đánh giá là đảm bảo được yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu.
Công ty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các DN mà thông qua hệ thống quản trị DN hiện đại của Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và của các DN để đảm bảo hiệu quả bảo toàn, gia tăng giá trị vốn đầu tư.