Giám sát tại Sở Xây dựng TP HCM và Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi ý, các cơ quan cần quan tâm hơn đến việc tiếp công dân về khiếu nại, tố cáo.
Sáng 24/6, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (tính từ 1/1/2019 - 31/5/2020) tại Sở Xây dựng TP HCM và Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM.
Tham dự cùng đoàn còn có ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam), Phó trưởng đoàn giám sát; ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), Phó trưởng đoàn; diện Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện Hội Luật gia Việt Nam; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM…
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, nội dung tiếp công dân tại Sở chủ yếu liên quan đến khiếu nại việc xác lập nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, khiếu nại các quyết định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở XDTP; quản lý, bố trí sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; chủ đầu tư chậm bàn giao nhà theo tiến độ đã cam kết; tranh chấp liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư…
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM đã có 89 lượt tiếp công dân, tiếp 149 người, trong đó tiếp công dân đột xuất 41 lượt. Ngoài ra, lãnh đạo Sở thực hiện tiếp công dân định kỳ, đảm bảo bố trí lịch tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân.
Sau khi lãnh đạo Sở tiếp công dân, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp công dân, Văn phòng Sở có trách nhiệm rà soát, hoàn chỉnh dự thảo thông báo nội dung kết luận và trình người chủ trì (lãnh đạo Sở) tiếp công dân xem xét ban hành cho các cá nhân, đơn vị liên quan biết, triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo của người chủ trì tiếp công dân.
Cũng theo ông Long, tổng lượt tiếp công dân thường xuyên trong kỳ báo cáo của Sở Xây dựng là 1.993 lượt, trong đó có 9 trường hợp tiếp đông người cùng kiến nghị, phản ánh.
Ngay sau khi làm việc với Sở Xây dựng, đoàn giám sát tiếp tục làm việc Sở Tài nguyên và Môi trường. Tại đây, ông Đặng Tuấn Khoa, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Sở tiếp thường xuyên 401 lượt, tiếp định kỳ của lãnh đạo sở 39 lượt, trong đó Giám đốc Sở tiếp 36 lượt, Phó Giám đốc sở 3 lượt.
Sở đã giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền tham mưu có tổng số 200 vụ, số vụ việc đã giải quyết 66 vụ; số vụ đang giải quyết có 134 vụ.
Về giải quyết đơn tranh chấp thuộc thẩm quyền tham mưu, có tổng số 18 vụ, trong đó số vụ đã giải quyết 11 vụ, số vụ đang giải quyết 7 vụ.
Về giải quyết đơn tố cáo thuộc thẩm quyền có tổng số 19 vụ, trong đó số vụ đã giải quyết 5 vụ, số vụ việc đang giải quyết 14 vụ.
Giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền tham mưu có tổng số 86 vụ, trong đó số vụ việc đã giải quyết 24 vụ, số vụ việc đang giải quyết 62 vụ.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chẳng hạn như phối hợp cung cấp hồ sơ, phúc đáp ý kiến đối với các vấn đề liên quan quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được kịp thời, ảnh hưởng đến thời hạn tham mưu giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Có trường hợp tác động tiêu cực dẫn đến công dân có đơn tố cáo về việc thiếu trách nhiệm, vi phạm thời hạn giải quyết.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, vẫn còn việc hình thành các đoàn đông người phức tạp, thường xuyên tập trung tại các trụ sở cơ quan, gây mất an ninh trật tự.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, các cơ quan Trung ương cần sớm tham mưu việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Luật Khiếu nại, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Tố cáo năm 2018. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành quy định về xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khắc phục hiệu quả tình trạng tồn đọng đơn thư phản ánh, kiến nghị và đảm bảo tính thống nhất trong phương thức xử lý đối với loại đơn đang chiếm số lượng lớn nhất đơn thư tiếp nhận trên địa bàn thành phố hiện nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan trên trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, qua giám sát đã phát hiện ra không ít những hạn chế, thiếu sót. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đặt vấn đề: Vẫn còn khiếu nại thì cần phải hỏi tại sao? Đã giải quyết thấu tình, đạt lý hay chưa? Sở phải làm gì để giải quyết việc này?
“Cần nêu rõ chỉ đạo, phân công thực hiện được nhiệm vụ liên quan, trách nhiệm của lãnh đạo sở. Rà soát, đánh giá thời gian qua đã làm được gì, chưa làm được gì; ưu điểm, hạn chế của mình như thế nào; quy trình giải quyết phải rõ ràng và sau khi đã xử lý cần công khai kết quả”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi ý, các cơ quan cần quan tâm hơn đến việc tiếp công dân về khiếu nại, tố cáo; phân loại xử lý các vấn đề.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền giải thích pháp luật để công dân hiểu vấn đề trước khi khiếu nại, như vậy sẽ giảm bớt được khiếu nại kéo dài, thậm chí giảm được số vụ việc khiếu nại không có cơ sở.
Lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đóng góp của các thành viên trong đoàn, đồng thời hứa trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh phù hợp để công tác thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tốt hơn.