Tinh hoa Việt

Quảng bá hình ảnh đất nước qua truyền thông di sản

TS NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN 29/12/2024 07:54

Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động truyền thông di sản văn hóa cần phải có tính độc đáo và mang bản sắc riêng. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, di sản văn hóa mỗi quốc gia đều là độc nhất, không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đó là lý do vì sao di sản được coi là bộ mặt của đất nước, là minh chứng cho bề dày lịch sử, kho tàng ngôn ngữ và các giá trị nghệ thuật... của mỗi địa phương.

a2.jpg
Di sản Vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Quý.

Sức mạnh của di sản

Không chỉ liên quan chặt chẽ đến ngành du lịch, giá trị văn hóa nghệ thuật và di sản của một đất nước cũng thể hiện tinh thần nỗ lực của quốc gia đó trong việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời bảo vệ và gìn giữ các di sản xã hội qua các giai đoạn lịch sử. Sức mạnh về di sản văn hóa thường được thể hiện qua các yếu tố như điểm lịch sử, văn hóa nghệ thuật, di sản và vẻ đẹp tự nhiên của quốc gia.

Các nhân tố phản ánh sức mạnh về di sản văn hóa của một quốc gia được thể hiện qua ba điểm: giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật và vẻ đẹp tự nhiên của di sản. Mỗi địa phương đều sở hữu những nét văn hóa, nghệ thuật và di sản đặc trưng riêng. Tính độc đáo này thể hiện ở sự đa dạng và giá trị của văn hóa, cuộc sống và bản sắc con người trong từng khu vực.

Trong đó, trang phục, ngôn ngữ, lễ hội truyền thống và di sản văn hóa nghệ thuật là những yếu tố phản ánh rõ nhất tính độc nhất của di sản. Đây là những giá trị không thể đo lường được của mỗi địa phương cũng như của cả quốc gia, cần được bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, việc tăng cường truyền thông để quảng bá về sự đa dạng văn hóa đặc trưng của từng vùng miền là rất cần thiết, nhằm thu hút và gây ấn tượng sâu sắc cho du khách và những người muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương.

Gắn với bảo tồn di sản

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa góp phần không nhỏ trong việc giáo dục lịch sử và văn hóa, nuôi dưỡng truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia đến với bạn bè quốc tế thông qua các hoạt động truyền thông, du lịch, giao lưu văn hóa, hội thảo nghiên cứu, du học và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Việc công nhận và tôn vinh di sản của một quốc gia chỉ là mở đầu và là nền tảng, do đó, để tiến xa hơn, cần phải kết hợp với các hoạt động khác như chính sách quản lý của nhà nước, truyền thông quảng bá về di sản và xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Điều này cần đi đôi với những mục tiêu mang tính quốc tế và sự phổ biến của con người cũng như phục vụ cho sự phát triển bền vững, tiến bộ, hiện đại, nhân văn, hữu nghị và hòa bình.

Giữ tính nguyên bản của di sản

Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động truyền thông di sản văn hóa cần phải đúng nguyên tắc và giữ được tính nguyên bản của di sản. Mỗi di sản văn hóa phi vật thể đều đòi hỏi một phương thức quảng bá riêng biệt nhằm giúp người xem, người nghe hiểu đúng bản chất về di sản đó. Trong quá trình quảng bá di sản hoặc xác thực hóa di sản, việc tuân thủ nguyên tắc đạo đức về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là rất quan trọng.

Khi mô phỏng hoặc tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, cần đặc biệt chú ý đến không gian linh thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự, bảo đảm các hoạt động này được đánh giá và xem xét một cách cẩn trọng. Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động truyền thông di sản văn hóa cần phải có sự hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và thương mại.

Trong trường hợp quảng cáo thương mại sử dụng hình ảnh di sản văn hóa thì ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật về quảng cáo và các quy định liên quan, cần phải thể hiện sự tôn trọng đối với giá trị văn hóa, bảo tồn di sản và đặc biệt là phải phù hợp với nhu cầu của người dân, góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh đất nước.

Khi khai thác di sản, cần bảo đảm cân bằng giữa kinh tế và văn hóa. Hai yếu tố này phụ thuộc và bổ trợ lẫn nhau. Việc khai thác kinh tế của di sản văn hóa có thể tạo động lực cho phát triển di sản, và di sản văn hóa phải được coi là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không nên đặt mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận lên trên mục tiêu văn hóa và giữ gìn các giá trị văn hóa. Tuyệt đối không “hy sinh” giá trị di sản văn hóa vì lợi ích kinh tế. Văn hóa truyền thống và thương mại phải luôn bảo đảm sự cân bằng, song hành cùng nhau thì quảng bá hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới mới đạt hiệu quả tối đa. Sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và thương mại tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống với thương mại giúp tăng cường quảng bá và tiếp cận với đối tượng khách du lịch, từ đó kích cầu du lịch và phát triển kinh tế địa phương. Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các hoạt động truyền thông di sản văn hóa cần phải có sự thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh văn hóa đất nước. Di sản văn hóa luôn là lĩnh vực nhạy cảm, được người dân đặc biệt quan tâm và yêu mến. Hoạt động truyền thông di sản văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước không đúng cách có thể gây ra tác động tiêu cực, đặc biệt là có thể gây ra phản ứng ngược chiều từ phía người dân. Việc sử dụng hình ảnh văn hóa đất nước trong ngữ cảnh không phù hợp có thể dẫn đến việc lạm dụng hoặc làm mất đi giá trị của di sản văn hóa. Sự thận trọng giúp bảo đảm rằng các giá trị văn hóa được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Sự thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh văn hóa đất nước giúp xây dựng một hình ảnh tích cực và đúng đắn về Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, góp phần tạo dựng niềm tin, cơ hội kinh doanh và phát triển du lịch cho đất nước.

Trong khi việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số để khai thác giá trị di sản văn hóa đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, thì tại Việt Nam, điều này vẫn còn khá mới mẻ. Hiện nay, các thiết bị công nghệ đang mở ra khả năng gia tăng trải nghiệm cho người tham quan di sản thông qua các hoạt động tham quan, triển lãm. Tại Việt Nam, mới chỉ có một số ít công trình di sản văn hóa được số hóa. Để thực hiện được điều này, còn cần có các chuyên gia và kỹ thuật viên, những người trong chuyên ngành để có thể chuyển các di sản thành hình ảnh, không gian thực tế ảo, các mô hình 3D...

Công việc này đòi hỏi sự đầu tư cao về nhân lực và thiết bị chuyên ngành, cũng như sự quản lý thời gian và giám sát từ các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng bá hình ảnh đất nước qua truyền thông di sản