Ngày 7-8, tại thành phố Đồng Hới, Trường Đại học Quảng Bình phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo – Nguồn lực phát triển bền vững”.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, đã có 22 tham luận có tính chuyên sâu và gắn với thực tiễn nghề biển và văn hóa vùng biển Quảng Bình được ban tổ chức tuyển chọn để trình bày. Trong đó, nhiều đề tài của các nhà khoa học, cán bộ và sinh viên Trường Đại học Quảng Bình được đánh giá cao, như: “Tình hình nghiên cứu văn hóa biển đảo và tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam của GS-TSKH Trần Ngọc Thêm; “Văn hóa biển Việt Nam từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian” của PGS-TS Trần Đức Ngôn; “vai trò của biển đối với cư dân Việt trong lịch sử và giải pháp phát huy giá trị của biển đảo” của TS Trần Xuân Hiệp; “Lễ hội của cư dân ven biển Việt Nam - di sản văn hóa độc đáo trong phát triển du lịch” của ThS Phan Đình Dũng; “Văn hóa biển đảo - một mô hình phát triển bền vững cho Quảng Bình” của GS- TS Chung Hoàng Chương.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo – Nguồn lực phát triển bền vững” chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo - Nguồn lực phát triển bền vững” là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường đại học trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu về văn hóa biển đảo. Đây còn là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để góp phần phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam.
Xem tài liệu tuyên truyền về biển đảo tại Triển lãm
Trước đó, vào chiều ngày 6-8, Trường Đại học Quảng Bình phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh về biển đảo.