Ban Thường vụ Tỉnh uỷ 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất; tuyệt đối tránh các biểu hiện tiêu cực, phân biệt “tỉnh tôi - tỉnh anh”, tư tưởng cục bộ khi hợp nhất 2 tỉnh.
Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tiến hành hội nghị triển khai một số nội dung liên quan việc việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã thảo luận triển khai tổ chức thực hiện việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Trước mắt, 2 tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.
Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo xây dựng “Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình” gắn với thành lập các cơ quan hành chính và hệ thống tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Kết luận số 130 ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Kế hoạch số 47 ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Ban Chỉ đạo có 2 tổ giúp việc gồm tổ tham mưu các nội dung về tài sản, tài chính, hậu cần và các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác khi hợp nhất; và tổ tham mưu các nội dung về chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025- 2030.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc tổ chức cơ quan, đơn vị, cơ cấu lãnh đạo cơ quan; tổ chức bộ máy; biên chế cán bộ công chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; thống kê tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc; xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy; đề xuất bố trí trụ sở làm việc.
Các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề vướng mắc, băn khoăn như khi hợp nhất 2 tỉnh, cán bộ công chức có những lo lắng, trăn trở như đi làm xa gia đình, việc ăn ở đi lại khó khăn. Đồng thời đề xuất có những hỗ trợ vấn đề đi lại, hỗ trợ nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính của tỉnh mới.
Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng: Những băn khoăn lo lắng của cán bộ, công chức là chính đáng.
Hai tỉnh cùng bàn các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này, có chủ trương chung về nhà công vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ công chức làm việc xa gia đình.
Tỉnh ủy Quảng Bình giao Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND tỉnh chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị rà soát bố trí nhà công vụ, tính toán cơ chế đi lại.
Hội nghị cũng đã thống nhất, xác định: Đây là nhiệm vụ chính trị chung, có ý nghĩa chiến lược, tuyệt đối tránh các biểu hiện tiêu cực, phân biệt “tỉnh tôi - tỉnh anh”, tư tưởng cục bộ khi triển khai hợp nhất 2 tỉnh, gây ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, thống nhất để sáp nhập tỉnh.
Được biết, tỉnh Quảng Trị sau khi hợp nhất có diện tích gần 12.700km2, quy mô dân số hơn 1,8 triệu người. Dự kiến có 78 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm hành chính – chính trị của đơn vị hành chính của tỉnh mới sau hợp nhất sẽ đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.