Kinh tế

Quảng Nam: Quy hoạch mới với những lợi thế

Tấn Thành, Chí Đại 15/03/2024 10:37

Sáng ngày 14/3, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi trả lời phỏng vấn về các nội dung liên quan đến Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” mà phóng viên, nhà báo đã nêu ra.

W_pv-1.jpg
Ông Lê Trí Thanh chia sẻ về quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ mới.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về điểm nhấn trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là gì? Ông Lê Trí Thanh cho rằng: “Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Điểm nhấn quan trọng quy hoạch là đã xác định được 2 vùng đặc biệt quan trọng gồm: Vùng phía Bắc bao gồm Hội An, thị xã Điện Bàn và Đại Lộc gắn kết với TP Đà Nẵng trong quá trình đô thị hoá và phát triển của địa phương, khai thác những lợi thế của đô thị Di sản của Hội An, lợi thế về không gian phát triển đô thị mới của thị xã Điện Bàn, phát triển đô thị công nghiệp ở Đại Lộc và tích hợp các yếu tố khác của các địa phương lân cận để xây dựng một chương trình phát triển liên kết vùng ở phía Bắc Quảng Nam gắn kết với định hướng phát triển của TP Đà Nẵng

Đối với vùng trọng điểm phía Nam gồm: TP Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh, với chức năng chính là phát triển trọng điểm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt nơi đây có cảng biển, sân bay là những công trình cấp quốc gia, cấp quốc tế và định hướng sáp nhập TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành để xây dựng đô thị loại I trong tương lai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy các chuỗi đô thị ven biển của miền trung Việt Nam.

W_pv-2.jpg
Đường Võ Chí Công kết nối sân bay Chu Lai và TP Đà Nẵng.

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, cũng đã xác định được những hành lang trọng điểm phát triển Quảng Nam có ý nghĩa liên kết vùng. Đó là hành lang ven biển, tính từ cao tốc Quảng Nam đến Quảng Ngãi xuống tới biển, nơi đây có lợi thế phát triển tốt các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và gắn với các hoạt động đào tạo nghề với sự phát triển các đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh. Với tính chất và tầm vóc được nâng lên, trong đó đặc biệt là khu đô thị loại I gồm: Núi Thành và TP Tam Kỳ.

Đối với khu vực hành lang thứ 2 kết nối từ quốc lộ 14B, 14E nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang qua Lào, qua Thái Lan, đây là hành lang có ý nghĩa khai phá khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Nam kết nối với các địa phương bạn để gia tăng lượng hàng hoá đến với tỉnh Quảng Nam để phát triển du lịch xuyên Á, đồng thời gắn kết với khu vực Tây Nguyên với trục 14B gắn kết phát triển hàng hoá du lịch giữa Duyên hải miền Trung với khu vực cao nguyên của Việt Nam, dọc tuyến đường hành lang Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn thì có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng, nhất là phát triển kinh tế rừng, kinh tế thuỷ điện, kinh tế khai thác chế biến các loại khoáng sản và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với bảo vệ vùng, vô cùng quan trọng phía tây của tỉnh.

“Chính phủ đã khẳng định cho Quảng Nam xây dựng một ngành công nghiệp có tầm cạnh tranh quốc tế đó là Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không tại sân bay Chu Lai, trên cơ sở tiềm năng của sân bay Chu Lai, Chính phủ đóng vai trò quan trọng mở ra một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam đó là ngành Công nghiệp, dịch vụ hàng không”, ông Thanh nói.

W_pv-3.jpg
Một góc Khu công nghiệp kinh tế mở Chu Lai.

Tiếp theo cảng biển ở Quảng Nam được xác định cảng biển loại 1 là cảng trung tâm logistics content của miền Trung và Tây Nguyên, cửa ngõ giao lưu hàng hoá quan trọng xuyên Á từ Thái Lan, qua Lào nối từ TP Đà Nẵng đến Quảng Nam. Chính phủ trong đề án quy hoạch lần này cho phép tỉnh Quảng Nam được nghiên cứu xây dựng mô hình đô thị Đại học, xác định Quảng Nam là trung tâm đào tạo về thực hành về đào tạo đại học tiêu chuẩn ASEAN 4 và quốc tế, đây là mô hình rất mới trên thế giới đã làm rất nhiều;…

Khi phóng viên đặt câu hỏi, vấn đề tận dụng lợi thế vùng và cân đối phát triển giữa vùng tây và vùng đông thể hiện trong quy hoạch như thế nào?

Ông Lê Trí Thanh cho hay, định hướng các dự án trọng điểm phát triển vùng Đông và vùng Tây, cũng được Đảng bộ Quảng Nam lần thứ 21 xác định, sau đó được hoàn thiện hơn ở Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, hiện nay đang được triển khai rất tích cực, trong đó khu vực vùng Đông được xác định động lực để phát triển.

“Vùng Đông của chúng ta có điều kiện phát triển hạ tầng rất tốt, nhất là hạ tầng về cảng biển sân bay hay đường quốc lộ, đường cao tốc và có quỹ đất ven biển thuận lợi cho phát triển du lịch và các ngành công nghiệp khác, vì thế tỉnh Quảng Nam luôn xác định vùng Đông ưu tiên phát triển trước và tạo nguồn thu để từ đó đầu tư hỗ trợ cho vùng Tây”, ông Thanh nhấn mạnh.

W_pv-4.jpg
Một góc cảng biển Chu Lai.

Theo ông Thanh, vùng Đông Quảng Nam có lợi thế tiếp giáp với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt Khu kinh tế Dung Quất, vì vậy với sự liên kết vùng phía đông thể hiện sự rõ nét, trong khi đó vùng phía Tây có lợi thế có rừng, hệ sinh thái động, đa dạng văn hoá của đồng bào DTTS ở miền núi, tài nguyên khoáng sản, thuỷ điện và có các tiềm năng phát triển các loại dược liệu, chính vì thế xác định phía tây ưu tiên bảo vệ rừng gắn với phát triển rừng, kinh tế dược liệu và các lâm sản khác ngoài rừng, phát triển kinh tế thuỷ điện bền vững, phát triển các loại khoáng sản, duy trì bảo vệ văn hoá của đồng bào DTTS, đồng thời khai thác đưa vào phát triển các loại du lịch cộng đồng;

Tại đây ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã trả lời nhiều nội dung khác liên quan đến Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Được biết Quảng Nam sẽ chính thức công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024” vào ngày 16/3 đến đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam: Quy hoạch mới với những lợi thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO