Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào 10 giờ trưa ngày 11-10, bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Tại Quảng Ngãi, bão số 6 (bão Linfa) đã gây mưa lớn, gió to làm ngã đổ và tốc mái nhiều ngôi nhà tại huyện Nghĩa Hành. Một số địa phương như: Hành Minh, Hành Dũng, Hành Tín Đông có nhiều khu dân cư bị ngập nước lũ gần 1 m. Hàng chục nghìn hộ gia đình tại đây đang bị mất điện do ảnh hưởng của bão.
Hiện, huyện Nghĩa Hành đang tập trung ứng phó với diễn biến của bão và hoàn lưu sau bão để đảm bảo an toàn, giảm các thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Với những khu vực ngập sâu, chính quyền và lực lượng chức năng đã chốt chặn, giăng dây để ngăn người dân không qua lại những nơi nguy hiểm. Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành đã tiến hành kiểm tra ở những khu vực xung yếu dễ cô lập do lũ, chủ động để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi lũ dâng cao. Kiên quyết xử lí nghiêm các trường hợp không chấp hành lệnh chốt chặn, cố tình qua lại những nơi đã có cảnh báo nguy hiểm.
Do mưa lớn, rạng sáng 11/10, chính quyền xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đã phải tổ chức di dời khẩn cấp 35 hộ dân trong vùng sạt lở núi thuộc thôn Ra Pin đến nơi an toàn. Mưa lũ làm sập 1 nhà của ông Nguyễn Sửu, thôn Ra Pin làm ông Sửu bị thương.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa ngày 11/10, Quảng Ngãi còn 251 tàu/3.693 lao động đang còn hoạt động trên các vùng biển, gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía Bắc, phía Nam và vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Trong số đó, hiện có 3 tàu của Quảng Ngãi (có số hiệu: QNg 92717 TS, QNg 90741 TS và QNg 96317 TS) bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, đang được các cơ quan chức năng điều động tàu tiếp cận cứu hộ.
Trên đảo Lý Sơn, nhiều ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái. Gió bão cũng khiến 3 người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, 2 người nhẹ hơn đã được xuất viện. Nông nghiệp trên đảo bị thiệt hại nặng nề, 270 ha trồng hành của người dân đều bị hư hỏng, nhiều hệ thống kênh mương bị sạt lở. Toàn đảo Lý Sơn đang mất điện.
Tại Bình Định, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có văn bản khẩn số 229/PCTT chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 6 và mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh.
Hiện các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn cấp di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ dân không đảm bảo an toàn...
Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú bão; giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn và xử lý các tình huống xấu xảy ra. Bảo đảm an toàn cho người dân, tài sản, khách du lịch trên đảo Nhơn Châu và các khu vực ven biển.
Các ngành, địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ. Người dân trong các vùng nguy hiểm chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Đối với các hồ chứa thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao, cơ quan chức năng cần bố trí lực lượng trực canh, rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Cũng liên quan đến tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan ban ngành thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để chủ động ứng phó với những diễn biến nhanh và tiêu cực của thời tiết, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, tăng cường kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng... có nguy cơ lũ quét, sạt lở để sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình bị hư hỏng và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu để khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt các trục giao thông chính và đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình huống mưa lũ lớn.
Đặc biệt, các địa phương cần triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Chủ động dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt. Sẵn sàng lực lượng phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho biết, những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ kéo dài đã khiến hơn 30% (1.800 ha) diện tích lúa của cả huyện bị ngã đổ. Trong số đó, 30-40 % bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng trên 20 tỷ đồng.