Làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi là nơi từng xảy ra vụ thảm sát cách đây 55 năm (ngày 16/3/1968 - 16/3/2023), hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân đã không ngừng phát triển.
Sơn Mỹ ngày nay là một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, hằng năm đã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến đây tham quan. Từ đầu năm 2023 đến nay, Khu chứng tích Sơn Mỹ đã đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan. Riêng những ngày đầu tháng 3/2023, nhân tưởng niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhiều đoàn khách đã về viếng hương tại khu chứng tích. Còn cuộc sống của người dân đã không ngừng phát triển.
Ông Nguyễn Tri (83 tuổi) ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê tâm sự, nỗi đau mất mát vẫn còn trong tâm trí của người dân nơi đây, thế nhưng mọi người ai cũng hiểu rằng họ phải mạnh mẽ đứng lên từ những đau thương. Do đó người dân mong muốn con cháu mình được lớn lên trong môi trường giáo dục tốt để những đứa trẻ ấy có thể hiểu được sự quý giá của hòa bình.
“Thật đáng mừng, hiện giờ đời sống của bà con từng ngày cải thiện, cơ sở hạ tầng, đường sá được đầu tư khang trang để người dân giao thương buôn bán, đi lại thuận lợi. Đặc biệt sống trong hòa bình đây là một niềm vui rất hạnh phúc”, ông Nguyễn Tri chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Hồng Mân (70 tuổi) ở xã Tịnh Khê cho hay, gia đình ông có người thân mất trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, còn riêng ông Mân may mắn sống sót, sau ngày giải phóng đến nay ông bắt đầu lấy vợ và nuôi con cái. Để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, ông đã đầu tư trồng 1 ha dưa xiêm với gần 500 cây dừa, đến thời điểm này các cây dừa đã cho thu hoạch quả. Nhờ vậy, hằng năm gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định nhờ vườn dừa này.
“Trước kia tôi làm một ít diện tích ruộng lúa, chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình cũng gặp khó khăn. Thế nhưng nhờ Nhà nước tạo điều kiện vay ngân hàng phát triển kinh tế để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó giúp kinh tế của gia đình tôi ngày càng cao để lo cho con cái ăn học”, ông Mân nói.
Trong khi đó, bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết, Sơn Mỹ giờ đây đã trở thành điểm đến của hòa bình, thân thiện và hiếu khách. Trong năm 2022, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón gần 25.000 lượt du khách, trong đó khách nước ngoài 3.000 lượt, khách đến từ các quốc gia khác nhau. Trong số đó, có không ít những cựu binh Mỹ. Hiện nay tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, có hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ được trưng bày.
Theo báo cáo của xã Tịnh Khê, hiện nay toàn xã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi; theo dõi, chỉ đạo hoàn thành các vụ sản xuất trong năm. Đã triển khai ra quân huy động hơn 700 ngày công để nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Tổng sản lượng lương thực 3.439 tấn, đạt 91,7% kế hoạch năm. Các cây trồng khác như: đậu các loại diện tích 3,2 ha, năng suất 17,8 tạ/ha, sản lượng 5,5 tấn; diện tích lạc 33,5 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng 79,2 tấn; rau các loại diện tích 43 ha, năng suất 224,5 tạ/ha, sản lượng 966,4 tấn.
Ngoài ra, địa phương đã triển khai kế hoạch tiêm phòng định kỳ, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và đàn gia súc hiện có 2.447 con. Về nuôi thủy sản thì đã vận động người dân vệ sinh hồ, ao nuôi và thả nuôi, thu hoạch theo lịch thời vụ. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 5.000/4.700 tấn, đạt 106% kế hoạch; diện tích nuôi trồng 19,5 ha; sản lượng 130/100 tấn.
Ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, những năm qua, xã Tịnh Khê đã có bước phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Trường học từ bậc mầm non đến THPT đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Chính quyền xã tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Duy trì 100% thôn và cơ quan đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt trên 93%. Thu nhập của người dân xã Tịnh Khê đã đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã năm 2022 còn 0,86%,…
“Vượt qua đau thương, mất mát, giờ đây làng quê Sơn Mỹ đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân Sơn Mỹ luôn luôn yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi tin rằng nơi đây sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng và gắt hái nhiều thành công trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”, ông Chính nói.
Được biết, cách đây 55 năm, sáng 16/3/1968, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát 504 người dân Sơn Mỹ vô tội, tay không vũ khí, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc gia cầm bị giết chết, lương thực mùa màng bị đốt sạch phá hoại hoàn toàn.