Sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh), tuổi thơ của ông Nịnh Văn Năm đã được theo cha, theo chú đến với những cánh rừng lim bạt ngàn. Hơn ai hết ông đã hiểu được rõ giá trị của rừng gỗ lớn.
Trung tuần tháng 11/2022, chúng tôi ngược sông Ba Chẽ đến thôn Khe Lọng Ngoài (xã Thanh Sơn) sang khu đất rừng của ông Nịnh Văn Năm. 5 ha lim xanh hơn 1 năm tuổi đều phát triển đạt các thông số kỹ thuật. Gần 3.000 cây lim xanh đều có chiều cao vút ngọn trung bình 60 cm, đường kính gốc 1,2 cm. Tỷ lệ sống đạt 96%. Cây sinh trưởng và phát triển tốt không sâu bệnh.
Gỗ lim từ xa xưa đã được đánh giá là gỗ quý, là một trong 4 loài cây gỗ "tứ thiết" gồm: Đinh, lim, sến, táu. Bởi sự cao quý vốn có mà giá trị gỗ lim luôn có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay những cánh rừng lim bạt ngàn ấy đã không còn hiện hữu ở xã Thanh Sơn. Từ tháng 6/2021, ông Năm đã quyết định trồng 5 ha lim xanh thay vì trồng cây keo như trước kia.
Vẫn biết rằng sinh trưởng của cây lim khỏe, nhưng lại phát triển chậm, do đó đòi hỏi phải có khoảng cách lớn giữa các cây với nhau, nên ông Năm chỉ trồng 550 cây/ha. Để phát triển kinh tế, lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen cây quế và và trồng cây cát sâm dưới tán rừng trồng lim xanh. Hiện tại, rừng lim xanh của ông Năm đã 17 tháng tuổi, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Nhìn cánh rừng lim xanh mởn mởn mới thấy được bao tâm huyết của ông dành cho cánh rừng này.
“Sau trận lũ quét lịch sử ở Ba Chẽ năm 2008, tôi nung nấu ý định trồng rừng gỗ lớn. Càng trồng càng nhận ra rằng rừng gỗ lớn không chỉ có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, mà còn mang lại ổn định kinh tế lâu dài cho gia đình”, ông Nịnh Văn Năm nói.
Sau 3 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ - nơi được coi là “thủ phủ rừng” của tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu thực hiện 5.000 ha, đến nay người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã trồng được 2.600 ha, đạt 52% mục tiêu đề án; trong đó trồng rừng tập trung 2.430 ha, trồng cây phân tán 45 ha, thực hiện thâm canh gỗ lớn loài cây Keo tai tượng ( hay còn gọi là keo úc) 30 ha; chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn 95 ha. Ngoài ra đã trồng trên 1.000 ha cây bản địa, chủ yếu là trồng cây quế.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Để phát huy trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Huyện cũng thường xuyên báo cáo tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là hỗ trợ về giống cây dưới tán, để người dân ổn định đời sống, an tâm trồng rừng gỗ lớn. Chúng tôi cũng xây dựng những mô hình điểm, để nhân dân tham quan học tập.
Hiện nay, huyện Ba Chẽ cũng đang chỉ đạo xây dựng bản đồ quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn; rà soát lại quỹ đất do xã quản lý chưa giao hoặc cho thuê để triển khai trồng rừng gỗ lớn.
Có thể thấy rằng, từ nghị quyết sát thực với thực tiễn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ hơn về mục đích ý nghĩa và lợi ích của việc trồng rừng cây gỗ lớn. Qua đó giúp người dân chủ động trồng rừng, cũng như chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và từng bước đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh.