Du lịch

Quảng Ninh: Khai thác hiệu quả ‘mỏ vàng’

HẢI VÂN 17/02/2024 07:15

Một vịnh Hạ Long kỳ ảo; một Yên Tử trầm mặc, uy nghi; những bãi cát trải dài đón mặt trời “rơi” ở Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn; một Bái Tử Long trong vắt như sương mai; một Bình Liêu với dãy núi “khủng long” ngơ ngác... Đó thực sự là những “mỏ vàng” du lịch ở Quảng Ninh.

bai-quang-ninh.jpg
Khách du lịch quốc tế đến Hạ Long bằng tàu biển.

Mảnh đất Quảng Ninh là nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống với những bản sắc văn hóa độc đáo; sở hữu trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong đó, có nhiều tài nguyên đã khẳng định thương hiệu ở khu vực và thế giới.

Để quy hoạch khai thác những “mỏ vàng” giá trị này, hơn 20 năm qua, Quảng Ninh đã có những quyết sách lớn. Dấu mốc cho du lịch Quảng Ninh phát triển sau giai đoạn đổi mới phải kể tới đó là Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 30/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng to lớn về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo thống kê, trong 2 năm 2022 và 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh là 27,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 59.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã đón gần 15,5 triệu lượt khách.

Du lịch Quảng Ninh thực sự mang một diện mạo mới, với sự ra đời của các sản phẩm du lịch cao cấp, như: Hệ thống khách sạn 5 sao, du thuyền cao cấp trên vịnh Hạ Long, Công viên Sun World Hạ Long, Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh...

Cùng với đó, các hạ tầng du lịch trọng yếu được đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn doanh nghiệp, đi vào khai thác, như: Tuyến đường cao tốc chạy dài từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn), Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử... đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Quảng Ninh. Không gian du lịch được mở rộng đến 13 địa phương trong tỉnh, tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là một điểm đến hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm du lịch mới. Quảng Ninh cũng đang hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí; trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng đặc sắc, chất lượng cao…

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, những năm qua tỉnh đã quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu, chỉ tiêu để tập trung thực hiện. Điều đó được thể hiện rõ nét trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh. Đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh.

Năm 2023, khách du lịch đến Quảng Ninh tăng 33,6% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt xấp xỉ 33.480 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.

Theo Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, năm 2024, du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2025 đón khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2030 đón khoảng 25,5-26 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 8,6-9 triệu lượt khách quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Khai thác hiệu quả ‘mỏ vàng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO