Ngày 28/3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 12 về triển khai thực hiện Chỉ thị. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019 và nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, chỉ đạo đến năm 2025… góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 46,2% năm 2010 lên 55% năm 2022; bảo vệ, duy trì ổn định diện tích rừng tự nhiên từ năm 2017 đến nay.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý. Trong 5 năm qua, chất lượng rừng không ngừng được nâng cao, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước; trồng trên 3.800 ha rừng thay thế bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa, cây ngập mặn; trồng mới và trồng bổ sung 560 ha rừng ngập mặn thông qua dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trên 1.718 ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 337 ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; việc kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý về rừng tại địa phương, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; công tác cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng; các chính sách phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng…
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phát triển đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số... thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa; không thu hút đầu tư bằng mọi giá; không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, luôn coi bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng. Mục tiêu là giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế dưới tán rừng; nâng cao chất lượng đời sống của người làm nghề rừng; giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có và nâng cao chất lượng rừng, trữ lượng rừng. Phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ và phát triển rừng; người dân là chủ thể bảo vệ rừng, chủ thể kinh tế dưới tán rừng.
Qua đi khảo sát một số mô hình bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn TP Hạ Long và nghe báo cáo của tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quan trọng và nổi bật mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong công tác phát triển và quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là việc tổ chức triển khai đồng bộ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho người dân; việc ứng dựng tiến bộ KHKT vào bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả; chăm lo cho sinh kế của người dân trong phát triển kinh tế rừng; có nhiều cơ chế, chính sách tạo bước đột phá trong sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu…
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Quảng Ninh đi đầu trong cả nước để triển khai thực hiện Chỉ thị 13 và là tỉnh đầu tiên Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững, cùng một khối lượng lớn các văn bản có liên quan tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trở thành thành tố hữu cơ phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Rừng gắn chặt với tiềm năng lợi thế cũng như yêu cầu phát triển của địa phương.