Sở là một trong những loại cây đặc sản của huyện miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ có hoa đẹp tạo thành lễ hội hoa sở hàng năm mà cây còn cho ra loại dầu sở có giá trị kinh tế cao.
Hiện, trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 570 ha sở, trong đó có 10 ha được trồng từ phương pháp ghép, còn lại là giống cũ của người dân.
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, dầu sở được kiểm nghiệm, đánh giá có nhiều dinh dưỡng, Omega 3… hàm lượng chất tương đương với dầu oliu. Những năm trước, hạt cây sở có đầu ra ổn định, giá hạt đạt từ 15.000 đồng/kg. Mỗi ha thu khoảng 5 tấn hạt.
Cùng với cây hồi thì sở là một trong những cây nông sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ đó, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 5%.
Năm 2021, từ diện tích cây sở trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch khoảng 13 tỷ đồng. Giá bán mỗi lít dầu sở dao động từ 350.000 - 400.000 đồng. Chất lượng dầu sở Bình Liêu được đánh giá cao, hoàn toàn có thể phát triển, mở rộng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp thị trường trong và ngoài nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị của cây sở, từ năm 2021 đến nay UBND huyện Bình Liêu, Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Quảng Ninh cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp để thực hiện dự án nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép.
Với ưu điểm là được chọn lọc từ cây mẹ có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng duy trì ưu điểm của cây mẹ và rút ngắn thời gian ra quả. Dòng sở ghép sẽ rút ngắn thời gian kết trái. Thay vì phải đợi từ 6 - 7 năm thì cây sở ghép sẽ ra quả trong khoảng 4 năm sau trồng, PGS.TS Lê Tất Khương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng chia sẻ.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cho biết, giống sở ghép được thực hiện thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất Sở tại Quảng Ninh” trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Đây cũng là nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, trong đó xác định cây sở là loại cây phù hợp trong việc chuyển đổi cây trồng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Anh La Xuân Đại (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) là hộ dân được lựa chọn để trồng 7 ha sở nhân giống vô tính phấn khởi chia sẻ, hy vọng với giống cây sở ghép có chất lượng cao, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, cho quả và dầu năng suất hơn để tăng thêm thu nhập cho gia đình, tiếp tục có những cây mẹ tốt để nhân giống sở cho bà con trong huyện.
Huyện Bình Liêu hiện có diện tích trồng sở lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 hàng năm cho thu quả sau đó sẽ nở hoa, tạo thành những rừng hoa sở trắng bạt ngàn sẵn sàng bước vào lễ hội hoa sở.
Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của dầu sở và các phụ phẩm chưa ổn định do trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến sâu, mặt khác chưa tạo được vùng nguyên liệu lớn do đó chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết, với những "giá trị kép" mà cây sở mang lại, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích thâm canh kém hiệu quả sang trồng sở, tiếp tục nhân rộng diện tích để dần hình thành vùng sở lớn, phát triển theo hướng hàng hóa.
Riêng đối với 10 ha sở nhân giống vô tính được trồng từ năm 2021 đến nay cũng là mô hình được thí điểm để phát triển giống sở chất lượng cao, những cây mẹ tốt sẽ tiếp tục được bảo vệ, nhân giống cho việc phát triển diện tích sở của huyện Bình Liêu.
Hiện người dân đang được hỗ trợ giống, kỹ thuật đối với diện tích sở ghép. Cùng với sản phẩm dầu, cây sở còn được biết đến là loại cây phòng hộ đa tác dụng, có thể chống xói lở do mưa lũ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và rừng đầu nguồn và sản xuất nhiều sản phẩm hữu ích khác.