Quảng Ninh: Phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long

Tô Thương 17/07/2022 16:43

Không "vắt kiệt" khu di sản Vịnh Hạ Long, phân lượng du khách, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường là những khuyến cáo của chuyên gia.

Đứng trước thực trạng đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời những chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới đến khảo sát, xây dựng đề án nhìn nhận lại sức tải của Vịnh Hạ Long nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tối ưu hóa nhu cầu của du khách

Qua quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Ali Kiran, thuộc Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) nhận định, để tìm được điểm cân bằng hoàn hảo, đảm bảo sức tải được phân bố phù hợp, tối ưu, trước hết cần phải đánh giá được nhu cầu của khách du lịch. Và việc đó cần thực hiện theo giờ, bởi vì nếu khách chỉ tập trung vào 1 - 2 khung giờ nhất định thì sẽ không tìm được sự cân bằng.

Chuyên gia của Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) cho rằng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin thông qua một nền tảng công nghệ.

Sự quá tải khi tập trung khách vào một thời điểm nào đó đang diễn ra với một số hang động của di sản như Thiên Cung, Sửng Sốt…

Ông cho rằng, khi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có kế hoạch sử dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý cũng như sử dụng hướng dẫn viên trong các tour tham quan ngày càng thường xuyên là cơ sở để quản lý tốt việc điều tiết lượng khách, tránh quá tải cục bộ ở một số điểm nghẽn.

Song song với đó là việc chia sẻ thông tin qua nền tảng công nghệ. Để làm được điều này Tiến sĩ Ali Kiran cho rằng, cần có quy định pháp lý, thẩm quyền cũng như có công cụ về mặt pháp lý, kỹ thuật, quy trình để thực hiện.

Vịnh Hạ Long cần có sự chia sẻ thông tin và sự phối hợp giữa các bên khác nhau thông qua một nền tảng về công nghệ để tất cả các bên, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, du khách đều có thể tham gia.

Ngoài ra, Tiến sĩ Ali Kiran cũng nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò quan trọng của du khách trong việc bảo tồn di sản và các cơ quan chức năng cần truyền thông để họ biết về những quyền, trách nhiệm của mình đối với di sản.

Cân nhắc bán vé theo khung giờ

Trên thực tế, có chỗ quá tải nhưng có chỗ lại thấp tải và việc phân bố lượng khách theo giờ, tuần, tháng là không đồng đều.

Hiện tại, sau khi có giấy phép tàu chạy theo một trong các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long đã được phê duyệt, các tàu du lịch có thể tùy ý chọn cập các điểm tham quan trên hành trình (như bãi biển Ti Tốp hoặc hang Sửng Sốt). Điều này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại các điểm tham quan và khiến cho khách du lịch không hài lòng.

Khách du lịch thăm quan hang Sửng Sốt. Ảnh: Halong Travel.
Đảo Ti Tốp.

Để giảm tải tình trạng đông đúc và cải thiện trải nghiệm du lịch, Tiến sĩ Celal Caplan, thuộc Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) đề nghị cân nhắc việc bán vé theo khung giờ đối với một số hang động, đảm bảo lượng khách tối đa trong ngày.

Điều này giúp tránh được những rủi ro và mang lại nhiều lợi ích với mục tiêu là cả 3 bên cùng thắng: Nhà nước, doanh nghiệp tăng thu, du khách được gia tăng trải nghiệm.

Hơn nữa, Tiến sĩ Celal Caplan cũng có những đề xuất nhằm quản lý tốt hơn lượng khách tham quan di sản và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Đó là khuyến mãi cho những tháng thấp điểm, truyền thông về trải nghiệm tốt hơn của du khách ở những thời điểm này.

Đồng thời, lấy ý kiến đóng góp của du khách về trải nghiệm của họ, từ những điểm dừng chân, hướng dẫn viên, tàu thuyền… để có đánh giá đúng.

Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những đóng góp to lớn của ngành du lịch trong tăng trưởng kinh tế, Vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường.

Tàu thu gom rác trên Vịnh Hạ Long.

PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, sức tải môi trường nước của Vịnh Hạ Long tương đối tốt. Tuy nhiên, tại Vịnh Hạ Long có dấu hiệu ô nhiễm nước, rác thải, mà rõ nhất là nước thải sinh hoạt, chúng ta mới xử lý được 38% trong tổng số hơn 60.000 m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra vịnh.

Môi trường nước cũng như rác thải trôi vào vùng lõi di sản có thể từ ven bờ, từ các vùng lân cận vì không gian liên thông với nhau. Vì vậy, ông đề xuất là từ nguồn thu phí tham quan cần có sự đầu tư tương xứng cho việc xử lý các vấn đề về môi trường.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: Giá trị phổ quát, nổi bật của di sản đã làm cho Vịnh Hạ Long trở nên nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút lượng khách rất lớn.

Du lịch nhìn nhận dưới góc độ lợi ích cho người dân địa phương giống như “con gà đẻ trứng vàng”, vậy thì với Vịnh Hạ Long là một nguồn lực vô cùng quý giá, chúng ta cần duy trì, bảo vệ, chứ không thể khai thác quá mức rồi chết đi giống như con gà bị quá sức khi bắt nó đẻ trứng quá nhiều. Vậy nên, song song với kiếm tiền, phát huy thì phải bảo tồn di sản.

Theo ông Christian Manhart,Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Vịnh Hạ Long cần được khai thác một cách hài hòa và bền vững.

Phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Việc Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá sức tải của di sản Vịnh Hạ Long là bước tiến để hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý bảo tồn di sản và khai thác, phát triển văn hóa, du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long