Ở Nghệ An, người Khơ Mú sống tập trung trong các bản thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, chủ yếu sinh nhai bằng nương rẫy. Trong khi người Mông ở nhà đất, và nhà của người Thái thường có gầm sàn cao, thì nhà sàn của người Khơ Mú lại khá thấp. Có khi người ta phải khom người khi đi dưới gầm sàn nhà của người Khơ Mú.
Một buổi trưa mùa hè tôi đến xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, nơi gần như toàn bộ số hộ gia đình đều là người Khơ Mú. Trong bài viết này tôi xin kể về tục làm nhà sàn và những nghi lễ tâm linh của người Khơ Mú.
Ông Cụt Văn Đào ở bản Ca Da năm nay 76 tuổi kể cho tôi biết, ông từng là cán bộ xã từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ông chỉ tay về những ngôi nhà sàn cạnh con suối trong bản Ca Da, kể: “Nhìn vậy thôi, mỗi căn nhà sàn ở đây đều theo một hướng nhất định”. Rồi ông giải thích thêm rằng, ngôi nhà của người Khơ Mú ở xã Bảo Thắng có hai cửa chính. Một cửa thường để ra vào, cửa còn lại là cửa của ma nhà, vì thế người ít ra vào hơn. Các dân tộc khác chọn hướng nhà nhưng người Khơ Mú lại quan trọng hướng cửa hơn. “Cửa chính, cửa của người đi phải hướng ra phía đông. Có lệch một chút cũng được nhưng phải là hướng đông. Cửa của ma nhà thì phải chọn hướng khác”, ông Đào nói.
Trong bản truyền thống, ngôi nhà của người Khơ Mú thường có 2 hoặc 3 gian. Bước lên nhà sẽ gặp một căn bếp là nơi nấu nướng. Nhà của người Khơ Mú ở Bảo Thắng có 2 căn bếp chứ không phải 3 bếp. Một bếp dùng cho việc nấu nướng hàng ngày đó là bếp phía ngoài. Còn phía trong là bếp ma nhà, là nơi tổ chức các nghi lễ tâm linh, được đặt trong một căn buồng kín đáo để thờ tổ tiên của người Khơ Mú.
Là cộng đồng có niềm tin sâu sắc vào các đấng thần linh nên người Khơ Mú chọn ngày và giờ dựng nhà rất kỹ. Trong một tháng các ngày 1, 2, 11, 12, 21, 22 được xem là ngày đẹp. Ông Cụt Văn Đào cho biết những quan niệm này cũng giống với người ta sống ở các xã lân cận. Giờ “khỏe” được xem là thời khắc tốt để dựng chiếc cột đầu tiên của ngôi nhà lên. Giờ này được chọn theo lịch “lai nham” của người Thái và các cộng đồng người Khơ Mú và người Mông ở Nghệ An cũng dùng loại lịch này phục vụ các hoạt động tâm linh hay cưới hỏi, làm nhà, trỉa rẫy, săn bắn, đi làm ăn, học hành. Theo lịch này thì mỗi tuần có 8 ngày, vì thế mà tuần thứ tư trong tháng thường thiếu. Mỗi ngày có 5 giờ. Các tháng, tuần, ngày giờ đều được gọi theo những tên riêng và lặp lại sau chu kỳ 8 đối với ngày, tháng và 5 đối với giờ.
Khi dựng nhà, người Khơ Mú cũng có một lễ cúng nhỏ. Mâm cúng có 1 con gà, một be rượu để cúng “ma đất”, để xin cho anh em chòm xóm đến giúp việc dựng nhà được khỏe mạnh, an lành. Lễ cúng thực hiện trước khi dựng chiếc cột đầu tiên lên và thường là buổi sáng sớm. Khi nhà đã hoàn thành, người Khơ Mú có lễ “lên nhà”, phải mổ một con gà trống và luộc chín. Gia chủ lấy một bên tinh hoàn gà bọc xôi bên ngoài rồi bôi lên đầu để cầu may mắn, làm ăn thuận lợi, vật nuôi sinh sôi.
Cầu thang nhà sàn người Khơ Mú thường có số bậc lẻ. Bà con cũng kiêng không dùng gỗ bị gãy ngang, cụt ngọn làm cột nhà, đặc biệt là những cây gỗ bị sét đánh.
***
Một ngôi nhà sàn của người Khơ Mú dù đã hoàn thiện nhưng không tổ chức ăn mừng ngay như cộng đồng người Thái. Lúc này ngoài con người ra thì chỉ mới có ma nhà ngự trị. Trong truyền thống, người Khơ Mú không có nhà thờ vì thế ma nhà ở trong căn bếp phía trong là nơi thường diễn ra các nghi lễ tâm linh, trong đó có tục ăn mừng ngôi nhà. Sau lễ này, ngôi nhà mới được các Then (thần linh từ trên trời) đến ở để bảo vệ con người khỏi tai ương.
Ông Cụt Văn Đào cho biết, người Khơ Mú ở Bảo Thắng gọi tục ăn mừng là “nhà nhảy” khi tổ tiên yêu cầu. Khi trong nhà có người ốm đau hay gặp phải giấc mơ không tốt, đem hỏi mà thầy mo phán rằng tổ tiên bảo làm “nhà nhảy” là y như rằng không bao lâu sau đó cả bản có cỗ ăn. Theo tập tục của người Khơ Mú ở nơi đây thì trước khi làm lễ ăn mừng nhà sàn 2 ngày, một con chó bị cắt lấy tiết và bôi lên tất cả các chân cột trong ngôi nhà để giải trừ những cái được cho là xúi quẩy. Cũng trong ngày hôm đó, người ta mổ thịt một con lợn và lấy tiết bôi lên vách nhà. Ngày hôm sau mổ thêm một con lợn, lấy tiết bôi vào sạp sàn nhà. Tiết gà, tiết lợn, tiết chó xuất hiện trong hầu hết các nghi lễ tâm linh của người Khơ Mú.
Ngày thứ ba, sau khi ngôi nhà đã được trừ tà bằng tiết chó và lợn, lễ mừng nhà mới bắt đầu. Người chủ nhà mặc quần áo mới đem theo một quả bí xanh bôi mỡ lên vỏ cho trơn và một chiếc chài bắt cá cùng vợ con đi một vòng xung quanh nhà và hỏi vọng lên: “Lên nhà lúc này có kiêng không?”. Sau ba lần hỏi, một người đã chờ sẵn trên nhà trả lời: “Không kiêng” và hỏi lại “Có việc gì?”.
Chủ nhà bắt đầu xưng tên họ và phải chứng tỏ mình là người siêng năng và mang theo chài đánh cá. Gia chủ bước lên và ném quả bí xanh ra giữa nhà. Lúc này đám trai làng sẽ xúm vào thi nhau giẫm nát trái bí. Gia chủ tung chài phủ lên đám hạt và cùi bí bị giẫm nát rồi đem cho vợ cất đi vì đó là những thứ tượng trưng cho của cải, tiền muôn bạc vạn.
Sau những nghi lễ này cuộc vui mới bắt đầu và kéo dài cho đến hết ngày. Tại xã Keng Đu (Kỳ Sơn), lễ ăn mừng ngôi nhà của người Khơ Mú có nhiều lễ cúng khác và phần hội cũng diễn ra khá độc đáo mà ở Bảo Thắng người ta đã lược bỏ. Sau lễ ăn mừng “nhà nhảy” trong ngôi nhà có thêm 3 vị Then cùng bảo vệ con người. Then Lo là người giúp linh hồn xuống đầu thai làm người. Then Chử giúp con người tránh tai ương, bệnh tật và những điều không hay. Then Liệng nuôi nấng người lớn lên béo tốt không lo đói bụng. Có thêm những vị then này, ngôi nhà càng linh thiêng. Còn với những tộc người khác thì nó lại bí hiểm thêm.
Vẻ bí hiểm vẫn còn đó, nhưng hình thức và quan niệm về các gian bếp của người Khơ Mú đã thay đổi theo thời gian. Bản Ca Da của ông Cụt Văn Đào không có nhiều những ngôi nhà sàn gầm thấp nữa. Gầm sàn đã thông thoáng hơn và với ông Đào đây còn là nơi ông đặt bàn nước tiếp khách, đan lát và mắc võng nằm trong những ngày hè nóng nực. Trên nhà cũng chỉ còn một cái bếp được dùng để làm phong tục khi cúng vía hay cúng tổ tiên ngày tết. Ông Đào đã làm một nhà bếp riêng cạnh nhà để tiện việc nấu nướng hằng ngày.
Không chỉ riêng ở Ca Da, hiện nay nhiều ngôi làng của người Khơ Mú, nhà cửa đã trở nên khang trang. Nhưng vẫn giữ lại những nét tập tục ẩn mình sau những ngôi nhà kiểu cách, hiện đại.