Chị B. luôn sởn gai ốc khi nghe những câu chuyện cười của ông sếp hơn 50 tuổi đời. Tuy nhiên, cũng như nhiều phụ nữ khác, chị B. không biết phải ứng xử như thế nào trong tình huống này.
Ảnh minh họa.
Quấy rối đôi khi chỉ là câu chuyện cười
A.B., một phụ nữ hơn 40 tuổi vẫn giữ được sắc đẹp mặn mòi. Đời sống gia đình không may mắn, single mom này trở thành “cái bia” của đám đàn ông trong cơ quan.
Các đồng nghiệp nam của chị B. thường thi nhau bình phẩm rồi nói xa gần rồi rủ rê rượu bia. Mỗi lần như thế, chị B. phải dùng hết “mưu trí, sáng tạo” để từ chối hoặc có tham gia thì cũng cố gắng nhanh nhanh chóng chóng. Đấy là với đồng nghiệp. Còn với sếp thì khó khăn hơn.
Ông sếp mới lên của chị B. 54 tuổi nhưng vẫn khá hào hoa. Ông nổi tiếng là người vui tính nhất là với phái nữ. Chuyện kể của ông luôn có các loại sinh thực khí rồi chuyện phòng the. Ông sưu tầm khá nhiều chuyện và luôn có chuyện mới để kể. Đám con gái trẻ nghe chuyện chỉ cười rinh rích và đỏ mặt. Còn những người như chị B. thì hiểu hơn những “thông điệp” từ câu chuyện đó và tìm cách tránh. Hoặc kể lại với những cô bạn gái thân chứ các chị không biết ứng xử như thế nào với ông sếp “vui tính”. Phản ứng thì mất vui mà không phản ứng thì được đà, ông kể từ thanh đến tục.
Phụ nữ chưa hiểu thế nào là quấy rối
Bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, khái niệm quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc vẫn còn rất mơ hồ. Theo một báo cáo nghiên cứu của Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có tới 80% trong số các nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là QRTD.
Theo thống kê của tổ chức Action Aid và Plan tại Việt Nam, 87% phụ nữ từ TP HCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Nguồn: Zing News.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), ở Việt Nam cho đến nay chưa có số liệu thống kê và các con số chính thức về QRTD, cũng như chưa có một nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Tuy nhiên có thể thấy rằng, QRTD tại nơi làm việc là một vấn nạn, gây ảnh hưởng tâm lý, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường không an toàn, giảm năng suất lao động và cần phải được ngăn chặn.
Trong công sở, thông thường việc quấy rối chỉ xảy ra giữa những người ngang hàng là đồng nghiệp hoặc sếp quấy rối nhân viên, chứ hiếm khi nhân viên dám... quấy rối sếp. Có thể nói, họ dùng quyền lực buộc người lệ thuộc mình về công việc phải trở thành công cụ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Người bị quấy rối vì sự phụ thuộc này cũng không dám chống cự hoặc chống cự rất yếu ớt.
Bộ quy tắc đã đủ mạnh?
Cho đến nay, mới chỉ có một Bộ Quy tắc Ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam công bố ngày 25/5/2016 với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Bộ quy tắc này nêu rõ QRTD tại nơi làm việc định nghĩa rất rõ về hành vi QRTD. Đó là: Hành vi tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không được mong muốn, không hợp lý, xúc phạm người nhận, tạo môi trường đáng sợ, khó chịu và thù địch.
Theo Bộ quy tắc, các hình thức QRTD gồm: hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.
Theo luật sư Phạm Quốc Thanh, Bộ Quy tắc xử ứng đã định nghĩa rất rõ thế nào là hành vi QRTD nơi làm việc, các hình thức và phạm vi áp dụng rất cụ thể, người lao động hoàn toàn có thể đọc hiểu một cách dễ dàng, nó khuyến nghị những việc làm của họ có thể bị coi là hành vi QRTD, mặt khác Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho người lao động, người sử dụng lao động, công đoàn, thanh tra lao động... làm thế nào để phòng ngừa hành vi QRTD, tuyên truyền, giáo dục, cách thức xử lý khi diễn ra sự việc.
Tuy nhiên theo luật sư này, cần quy định cụ thể hơn ở phần Hành vi quấy rối phi lời nói: ngôn ngữ cơ thể phi lời nói, nháy mắt phô bày tài liệu khiêu dâm… vì những hành vi này dễ bị nhầm lẫn với hành vi trêu ghẹo trong công sở, nơi làm việc. Mặt khác Bộ quy tắc có thể bổ sung một số chế tài cụ thể hơn nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục.
Đến nay, một vài nghiên cứu của một số tổ chức cho thấy, đa phần nạn nhân bị QRTD là nữ, vì ngượng ngùng, lo ngại mất việc làm và rất nhiều lý do khác khiến họ im lặng. Tuy nhiên, có nạn nhân muốn tố cáo, nhưng họ không biết phải làm thế nào để khiếu nại vì theo luật hiện hành rất khó để nhận dạng rõ về các hành vi QRTD để có biện pháp xử lý.
Nạn nhân ngại ngần, cơ quan chức năng chưa tham gia tích cực để bảo vệ phụ nữ, hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Do vậy, trong các cơ quan, vẫn còn nhiều hành vi QRTD: Từ việc kể chuyện tục tĩu đến những hành vi sỗ sàng hơn. Và phụ nữ vẫn phải cắn răng cam chịu!